Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, hiếm có thuật ngữ nào được nhắc tới nhiều như thuật ngữ “kinh doanh”. Tuy nhiên, hai chữ “kinh doanh” còn được hiểu rất không rõ ràng. Nó hầu như chưa được định nghĩa hoặc định nghĩa chưa đầy đủ, chưa nêu được bản chất của thuật ngữ này. Vì vậy, nhiều người lao vào kinh doanh mà chưa có sự chuẩn bị cần thiết. Rút cục, vừa khởi nghiệp đã thất bại. Thật vô cùng đáng tiếc. Bài dưới đây hy vọng trao đổi với các bạn, nhất là các bạn mới khởi nghiệp, để họa may tìm ra giải pháp hạn chế phần nào tình trạng đó.
Theo Luật doanh nghiệp (Luật số: 68/2014/QH13, ngày 26/11/2014) thì “kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Trong định nghĩa này, “kinh doanh” được định nghĩa thông qua khái niệm “đầu tư”, tức là định nghĩa một khái niệm chưa rõ (“kinh doanh”) bằng một khái niệm cũng chưa rõ không kém (“đầu tư”). Định nghĩa này không hoàn toàn sai, nhưng nó cũng không hoàn toàn đúng, vì đầu tư thường được hiểu là việc dùng tiền trong dài hạn (trên 1 năm), còn trong kinh doanh, người ta có thể dùng tiền trong thời hạn ngắn hơn nhiều, do đó, gắn kinh doanh với đầu tư là có phần khiên cưỡng (không thích hợp). Đáng chú ý là, những định nghĩa đại loại như vậy hầu như không gợi cho ta một ý niệm nào về những việc, những hoạt động, những vấn đề, những lĩnh vực mà người làm kinh doanh cần quan tâm, cần chú ý, cần tập trung vào. Đó là lý do đầu tiên khiến ta cần tìm cho “kinh doanh” một định nghĩa rõ ràng và đầy đủ hơn.
Lý do thứ hai là ngày nay, Kinh doanh đã thay đổi rất nhiều (khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bùng nổ, trên thị trường, cung đã vượt xa cầu và tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt). Ngày nay, kinh doanh không chỉ có nghĩa là cố tạo ra những hàng hóa, dịch vụ cho thật tốt, còn mua là việc của khách hàng. Bởi vì, đối với nhà kinh doanh, đó chỉ là phần ngọn, rất có thể phần ngọn đó không được người mua “chiếu cố” hoặc người mua không đủ nhiều để doanh nghiệp thu hồi được vốn và có thể tồn tại. Bởi vậy, kinh doanh là phải quan tâm từ gốc đến ngọn, tức là trước hết phải “tạo ra” người mua, phải bán hàng hóa hoặc dịch vụ làm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của người mua để người mua luôn hài lòng và mua với số lượng, giá cả làm cho doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển.
Ta hãy khoan đi tìm một định nghĩa ngắn gọn về hoạt động kinh doanh, mà hãy đi tìm những nội hàm nhằm làm nổi bật bản chất của hoạt động kinh doanh, cái bản chất mà nhìn vào đó, nhà kinh doanh, nhất là những nhà kinh doanh mới khởi nghiệp, có thể thấy ngay những vấn đề mình cần quan tâm, những việc mình bắt buộc phải làm (và làm tốt) để có thể giành thắng lợi trong cuộc kinh doanh. Với một quan niệm như vậy, ta hãy xem xét những nội hàm của hoạt động kinh doanh:
- Trước hết, đã nói đến “kinh doanh” là phải nói đến việc bán một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định (không có thứ kinh doanh nào mà lại không bán một loại hàng hoá, dịch vụ nào đó). Muốn bán được hàng, thì điều kiện tiên quyết là phải có người mua, phải Marketing (tiếp thị) để “tạo ra” khách hàng cho hàng hóa hoặc dịch vụ của mình, nhất là trong nền kinh tế thị trường đang toàn cầu hóa và phải cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Hàng hoá, dịch vụ đó phải thích hợp với người mua (ta thường nói là được thị trường chấp nhận, tức là có một tỷ lệ khách hàng nhất định, đủ đông và được giới thiệu, được quảng cáo, được tuyên truyền để họ thấy được rằng hàng hóa, dịch vụ đó là phù hợp với nhu cầu và mong muốn của mình, trở nên ưa chuộng hàng hóa đó, luôn nhớ tới nó và sẵn sàng bỏ tiền ra mua hàng hóa, dịch vụ đó khi có nhu cầu). Nếu không thích hợp với một phân khúc khách hàng nào đó, thì hàng hóa/ dịch vụ đó có thể sẽ không bán được và công cuộc kinh doanh có thể sẽ thất bại. Vì vậy, trong kinh doanh, việc chọn mặt hàng nào để bán và mặt hàng đó, dịch vụ đó có đặc điểm gì, giúp ích gì cho người mua là hết sức quan trọng, cần có câu trả lời trước tiên và thỏa đáng. Nếu không, khả năng kinh doanh không thành công là rất lớn.
Để bán được hàng hoá, nhà kinh doanh hầu như chỉ có thể vận dụng 4 loại công cụ chủ yếu, đó là những quyết định của nhà kinh doanh về 4 loại yếu tố:
1) Quyết định về sản phẩm (hoặc dịch vụ): Chủng loại sản phẩm; đặc tính sản phẩm; tính khác biệt, nổi trội của sản phẩm; chất lượng sản phẩm; kiểu dáng; quy cách; nhãn hiệu; bao bì; dịch vụ đi kèm …;
2) Quyết định về phân phối - bán hàng: cách thức phân phối - bán hàng, các kênh phân phối, địa điểm phân phối, tồn kho, vận chuyển, phương tiện bán hàng, mạng lưới nhân viên bán hàng, các dịch vụ sau bán, vv …;
3) Quyết định về giá cả: Dãy giá, cơ chế điều chỉnh giá, chính sách chiết khấu, khuyến mãi và giảm giá, tín dụng, vv …;
4) Quyết định về yểm trợ, xúc tiến: Truyền thông, quảng cáo, xúc tiến bán hàng, chào hàng, quan hệ công cộng …
Còn để bán được dịch vụ, nhà kinh doanh có thêm 3 loại công cụ nữa. Đó là những quyết định của nhà kinh doanh về những con người trong quá trình tiến hành dịch vụ và những hoạt động liên quan đến dịch vụ đó; quyết định về quá trình, quy trình tiến hành dịch vụ và quyết định về cơ sở vật chất - kỹ thuật trong khi tiến hành dịch vụ.
Các loại công cụ này chứng tỏ rằng nhà kinh doanh không chỉ biết làm ra sản phẩm, dịch vụ (dù là sản phẩm, dịch vụ rất tốt đi nữa), mà điều quan trọng là nhà kinh doanh phải “tạo ra” và giữ được khách hàng, phải có một lớp đông đảo khách hàng yêu mến, tín nhiệm mình, trung thành với mình, tức là, ngày nay, nhà kinh doanh phải biết tiếp thị, trong nhiều trường hợp, tiếp thị phải đi trước một bước so với việc sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ. Có như vậy, hàng hóa, dịch vụ mới bán được, mới có đông người mua, đủ để nhà kinh doanh có lời và phát triển doanh nghiệp.
- Để có hàng hoá, dịch vụ thích hợp với thị trường và bán được như vậy, thì trước đó, nhà kinh doanh phải bỏ tiền ra để mua những thứ hàng hoá, dịch vụ nhất định trên thị trường. Sau khi mua rồi, nhà kinh doanh phải có công nghệ xử lý (công nghệ chế biến) những thứ hàng hoá, dịch vụ đã mua được thành những thứ hàng hoá, dịch vụ thích hợp để đem bán trên thị trường (khái niệm “xử lý” hay “chế biến” ở đây phải hiểu với nghĩa rất rộng, chẳng hạn: mua, vận chuyển về, bảo quản chờ cơ hội, rồi mới đem bán hoặc thu mua, phân loại, chia ra và đóng gói để đem bán, hoặc xử lý (chế biến) để cho ra những thứ hàng hoá, dịch vụ hoàn toàn mới, thích hợp với nhu cầu của người mua, như xử lý (chế biến) đậu nành, đường, nước thành sữa đậu nành; xử lý (chế biến) nguyên vật liệu, bán thành phẩm thành chiếc ti vi; xử lý (chế biến) tức gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch để có các loại nông sản thích hợp, vv…). Trong các công đoạn bán, mua và xử lý (chế biến) như vậy, nhà kinh doanh phải quản trị được dòng tiền, tức là có những biện pháp bảo đảm cho dòng tiền luôn luôn lành mạnh, đáp ứng được yêu cầu của sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp, chứ không phải ngược lại, khiến cho công cuộc kinh doanh gặp khó khăn về tài chính và có thể đi đến phá sản.
- Toàn bộ quá trình nói trên và từng chi tiết của quá trình đó đều được tiến hành trong tình trạng các yếu tố của môi trường kinh doanh luôn luôn biến động rất khó dự báo và trên thị trường có cạnh tranh khốc liệt. Ở đây, cần làm rõ đôi chút về “môi trường kinh doanh” và về “cạnh tranh”.
Môi trường kinh doanh là một tập hợp gồm vô vàn những yếu tố khách quan có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà từng yếu tố cũng như tổng thể của các yếu tố đó luôn luôn biến động, lúc nhẹ nhàng, lúc vô cùng khốc liệt, lúc loại trừ lẫn nhau, lúc lại cộng hưởng với nhau, rất khó nắm bắt được quy luật. Môi trường kinh doanh gồm có:
Môi trường vĩ mô, gồm: nhân tố pháp luật (trong nước và quốc tế), nhân tố khoa học - kỹ thuật - công nghệ, nhân tố chính trị - văn hoá - xã hội, nhân tố thời tiết và thiên tai, vv ...
Môi trường vi mô, gồm: nhân tố các nhà cung ứng (thường có hàng chục, hàng trăm nhà cung ứng với mỗi doanh nghiệp), nhân tố các trung gian tiêu thụ (có vô vàn nhà tiêu thụ với nhiều kiểu, nhiều dạng khác nhau), nhân tố các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, cạnh tranh gián tiếp, cạnh tranh tiềm tàng và nhân tố công chúng đông đảo với các phương tiện thông tin đại chúng đủ loại sẵn sàng lên tiếng hoặc ca ngợi hoặc chỉ trích, vv…
Cạnh tranh là hoạt động vì lợi ích của mình mà tiến hành đấu tranh để giành thắng lợi trước các địch thủ.
Trong môi trường kinh doanh luôn luôn biến động rất khó nắm bắt quy luật và trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt từng giờ, từng phút, nhà kinh doanh chân chính hầu như chỉ có 2 phương thức chủ yếu để đối phó và giành thắng lợi. Đó là: Quản trị Marketing và Quản trị Thương hiệu.
- Cuối cùng là mục tiêu của hoạt động kinh doanh. Thật ra, đây chính là mục tiêu số một, mục tiêu đầu tiên của kinh doanh (nếu không vì mục tiêu này, không ai dại dột triển khai hoạt động kinh doanh với nhiều rủi ro làm gì). Mục tiêu đó là sinh lợi, là làm cho những đồng tiền của mình (hoặc những đồng tiền do mình chịu trách nhiệm) sinh sôi, nảy nở, gia tăng giá trị. Tính sinh lợi là mục tiêu cuối cùng, mục tiêu cao nhất của kinh doanh. Nhưng sinh lợi không phải là mục tiêu duy nhất, trong thế giới ngày nay, người ta không kinh doanh nhằm sinh lợi với bất cứ giá nào, chẳng hạn: sinh lợi nhưng quyết không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, sinh lợi nhưng quyết không vi phạm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vv ...
Sau khi đã xem xét như vậy, giờ đây, nếu phải vạch rõ nội hàm của khái niệm “kinh doanh” một cách tương đối đầy đủ, thì ta có thể nói rằng “kinh doanh” là: 1) Làm cho những đồng tiền của mình (hoặc những đồng tiền do mình chịu trách nhiệm) sinh lợi (tức là gia tăng giá trị); 2) bằng cách “tạo ra” những người mua để đem bán những thứ hàng hoá/ dịch vụ thích hợp; 3) muốn bán được như vậy, thì trước hết phải bỏ tiền ra để mua những thứ hàng hoá/ dịch vụ nhất định và công nghệ xử lý (chế biến) những hàng hoá/dịch vụ đã mua được thành những hàng hoá/dịch vụ có thể bán được (được thị trường chấp nhận) và có khả năng cạnh tranh; 4) Trong quá trình đó, nhà kinh doanh phải thường xuyên ứng phó với môi trường kinh doanh gồm vô vàn yếu tố luôn luôn biến động và phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ từ nhiều phía trên cơ sở vận dụng 2 phương thức chủ yếu là Quản trị Marketing và Quản trị Thương hiệu (để có thể lèo lái tốt công cuộc kinh doanh bằng cách sử dụng hợp lý 4 hoặc 7 yếu tố: quyết định về sản phẩm/dịch vụ; quyết định về hệ thống phân phối/bán hàng; quyết định về giá cả; quyết định về những phương thức xúc tiến, yểm trợ; quyết định về con người; quyết định về quá trình, quy trình; quyết định về cơ sở vật chất - kỹ thuật).
Như vậy, kinh doanh là một quá trình gắn chặt với thị trường, về thực chất, quá trình đó là một chuỗi hoạt động đan xen, chồng chéo nhau và luôn luôn diễn biến. Vì vậy, quá trình kinh doanh đòi hỏi phải được quản trị một cách có phương pháp, tức là phải được sự tác động có hướng đích của chủ thể quản trị đến đối tượng quản trị nhằm đạt được kết quả cao nhất theo mục tiêu đã định.
Quá trình quản trị kinh doanh như vậy gồm nhiều chức năng: kiểm kê, dự báo, hoạch định, tổ chức, điều phối, kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh…
Muốn làm tốt những chức năng đó, trước hết, người ta phải nghiên cứu, đề xuất các loại chiến lược.
Đầu tiên là “chiến lược doanh nghiệp”. Chiến lược này liên quan đến mục tiêu tổng thể và quy mô của doanh nghiệp, đến việc doanh nghiệp sẽ hoạt động trong lĩnh vực nào (ngành hàng hoặc dịch vụ nào, đến những khâu nào trong ngành hàng và dịch vụ đó…) để đáp ứng được kỳ vọng của những người góp vốn. Đây là một cấp độ quan trọng do nó chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà đầu tư trong doanh nghiệp, đồng thời, nó cũng hướng dẫn quá trình ra quyết định trong toàn bộ doanh nghiệp, chiến lược này thường được trình bày rõ trong thông điệp về sứ mệnh của doanh nghiệp và được kiểm soát bởi những người chủ (tức những người bỏ vốn) của doanh nghiệp.
Thứ đến là “chiến lược kinh doanh” của doanh nghiệp. Chiến lược này trả lời câu hỏi: làm thế nào để doanh nghiệp có thể cạnh tranh thành công trên một địa bàn cụ thể, với các đối thủ cụ thể và các khách hàng cụ thể, các quyết định quan trọng cần phải có nội dung như thế nào để làm nổi bật những lợi ích và khác biệt cốt lõi của sản phẩm, đồng thời, đáp ứng được những đòi hỏi và mong muốn khác nhau của khách hàng trên địa bàn nhằm giành lợi thế cạnh tranh với các đối thủ và tạo ra các cơ hội mới.
Sau hết là “chiến lược tác nghiệp”. Chiến lược này liên quan tới việc từng bộ phận trong doanh nghiệp được tổ chức và hoạt động như thế nào để thực hiện được phương hướng chiến lược ở cấp độ doanh nghiệp và ở từng bộ phận trong doanh nghiệp (tập trung trước hết vào các vấn đề về phân phối nguồn lực, quá trình xử lý nguồn lực, kể cả nguồn lực về con người, được kiểm soát bởi những người điều hành doanh nghiệp và những người điều hành các bộ phận). Với nội hàm của Quản trị kinh doanh như vậy, mỗi nhà kinh doanh và nhà quản trị kinh doanh, đặc biệt là những người khởi nghiệp, cần chuẩn bị những phẩm chất và kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng quản trị thích hợp để có thể làm tốt sứ mệnh của mình.
Trường hợp còn thiếu những phẩm chất và kỹ năng ấy, nhà kinh doanh nên lựa chọn và cộng tác với những người khác, những người có phẩm chất và năng lực nhất định. Việc này cũng rất quan trọng để bảo đảm kinh doanh thắng lợi./.
Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2017
Bùi Tường Anh
CTHĐTV Concetti