Hạn chế cạnh tranh không lành mạnh không chỉ để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, mà phải duy trì được áp lực cạnh tranh, áp lực đổi mới công nghệ của các công ty lớn bằng cách tạo điều kiện cho các startup mới ra đời, tuy nhỏ bé nhưng có thể dùng công nghệ mới để chiến thắng.
Nói cách khác, Luật Cạnh tranh còn có chức năng thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Xa hơn nữa, mục tiêu sau cùng là bảo vệ người tiêu dùng sao cho họ có thể tiếp cận hàng hóa, dịch vụ với chất lượng liên tục được cải thiện với chi phí ngày càng giảm. Bởi vậy Luật Cạnh tranh còn cho phép cơ quan chức năng ra quyết định buộc chia tách một công ty giữ vị trí độc quyền thành các công ty độc lập, mặc dù công ty đó không có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nói cách khác, khi một công ty độc quyền tự nhiên thì cơ quan chức năng tạo ra cạnh tranh bằng cách chia tách chính nó.
Thế nhưng chính sách viễn thông ở Việt Nam chưa đáp ứng được các mục tiêu trên của pháp luật cạnh tranh.
Từ chuyện xứ người...
Theo lẽ tự nhiên, thương nhân bao giờ cũng đi tìm kiếm lợi nhuận. Trong quá trình đó họ sẽ tìm cách tự mình hoặc liên kết để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh, chiếm thị phần. Nhưng khi mục tiêu nhắm vào chính khách hàng bằng cách thông đồng dìm giá mua, nâng giá bán để cùng nhau chia chác, là lúc pháp luật cạnh tranh cần được kích hoạt.
Có thể dẫn ra một số vụ việc như ngày 12-1-2012, Samsung và LG bị Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (FTC) buộc nộp phạt lần lượt 22,29 triệu và 16,2 triệu đô la Mỹ vì thao túng giá các sản phẩm máy giặt, tivi màn hình phẳng và máy tính xách tay. Ông Song Sang-Min, quan chức của FTC, giải thích: “Việc thông đồng ấn định giá bán của họ làm tăng giá sản phẩm, tổn hại trực tiếp tới lợi ích của người tiêu dùng” (1).
Hành vi tương tự của Samsung và Sharp cũng đã bị cơ quan chức năng Hoa Kỳ xử phạt 14,7 triệu đô la Mỹ và bồi thường cho người tiêu dùng 528,6 triệu đô la Mỹ. Sản phẩm mà các bên thỏa thuận nâng giá là màn hình ti vi, máy tính (2).
Người tiêu dùng Việt Nam thiếu một hiệp hội hoạt động một cách thực chất và hiệu quả để lên tiếng cho họ; còn các doanh nghiệp lớn thì có nhiều khả năng để “vận động” chính sách theo hướng có lợi cho mình. Việc cơ quan chức năng, dù vô tình hay hữu ý, can thiệp vào thị trường bằng cách đặt ra “giá sàn” rõ ràng là đã hạn chế quyền tự do thỏa thuận giữa người mua và người bán. Lĩnh vực viễn thông là một ví dụ và điều đáng nói hơn là đại diện cơ quan quản lý nhà nước không ngại thông báo công khai “giá trung bình” là do ba ông lớn Viettel, Vinaphone, MobiFone thỏa thuận.
Trong thư cầu cứu của Vietnamobile gửi Thủ tướng, Vietnamobile cho rằng: “Việc các doanh nghiệp lớn tự bàn bạc và thỏa thuận với nhau, áp đặt mức giá bán tối thiểu để cưỡng bức nhằm tiêu diệt các doanh nghiệp nhỏ là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh (vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh về việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) làm méo mó thị trường”.
Đại diện của Vietnamobile chất vấn hai vấn đề: (a) Tại sao không dựa vào giá thành để kết luận một hành vi bán phá giá hay không mà lại dựa vào giá trung bình rồi đưa ra giá sàn; (b) Cơ sở nào để xác định giá trung bình gói cước là 50.000 đồng/ tháng và giá sàn bằng 95% giá trung bình); giá trung bình data là 15.000 đồng/GB, giá sàn là 7.500 đồng/GB (50% giá trung bình). Theo bức thư nêu trên của Vietnamoblie, lãnh đạo Cục Viễn thông giải thích: “Trong cuộc họp với Cục Viễn thông, lãnh đạo cục này thông báo rằng ba doanh nghiệp nhà nước là Viettel, MobiFone, Vinaphone đã thỏa thuận rằng các doanh nghiệp viễn thông di động trên thị trường không được bán thấp hơn 50.000 đồng/tháng cho mỗi gói cước viễn thông di động. Các doanh nghiệp nhỏ chỉ được phép bán thấp hơn 5% (tức 45.000 đồng/tháng)” (3).
Như vậy, việc thông đồng ấn định giá, chẳng những không bị xử phạt mà có nhiều khả năng còn được hợp pháp hóa.
Việc hợp pháp hóa hành vi thông đồng này, xét từ góc độ lợi ích của người tiêu dùng, người nộp thuế, lợi ích toàn xã hội và dưới góc nhìn quyền tự do kinh doanh, dưới góc nhìn pháp luật cạnh tranh, có một số điểm cần xem xét lại:
Thứ nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nên tập trung vào chức năng thiết lập tiêu chuẩn chất lượng, giám sát, thanh tra, xử phạt hành vi vi phạm tiêu chuẩn chất lượng... của các nhà cung cấp dịch vụ. Còn giá cả, giá thành, chuyện vi phạm cạnh tranh nên là chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp.
Thứ hai, “giá sàn” không giúp ích gì trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, nếu hiện tượng thông đồng nâng giá xảy ra. Bởi các doanh nghiệp thông đồng có thể thỏa thuận giữ nguyên chất lượng và thiết lập mức giá cao hơn giá sàn. Ngược lại, “giá sàn” sẽ cản trở doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, thu hút khách hàng bằng công nghệ mới.
Thứ ba, cách tiếp cận ấn định giá sàn hay giá tối thiểu chỉ phù hợp khi cơ quan nhà nước là chủ thể sử dụng dịch vụ, là cơ quan mời thầu; nó không phù hợp trong quan hệ giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ. Bởi, giá sàn giả sử dựa vào giá thành tại thời điểm ban hành thì nó luôn nhanh chóng lạc hậu trước biến động thị trường, tiến bộ công nghệ... Trái lại, việc lạm dụng ban hành giá sàn là can thiệp vào quyền tự do hợp đồng của các bên liên quan. Giá sàn chỉ được coi là hợp hiến khi nó đứng về bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng, ví dụ tiền lương tối thiểu...
Thứ tư, muốn kêu gọi “quốc gia khởi nghiệp”, “nhà nước kiến tạo” thì phải thúc đẩy doanh nghiệp giảm giá thành bằng việc ứng dụng công nghệ mới. Việc cơ quan nhà nước ấn định giá thành, neo các doanh nghiệp vào giá sàn sẽ đi ngược với khẩu hiệu “quốc gia khởi nghiệp”. Thay vào đó, cơ quan chức năng phải tích cực vào cuộc điều tra, thu thập bằng chứng về hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp thao túng thị trường, chứ không phải ngồi một chỗ ấn định ra giá sàn một cách chủ quan rồi áp đặt suy đoán rằng: Tất cả doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ dưới giá sàn đều là bán dưới giá thành mà không cần điều tra.
Thứ năm, về mặt luật pháp, “giá trung bình” hay “chất lượng trung bình” theo Bộ luật Dân sự 2015 (các điều 279 khoản 2, điều 552 khoản 3, điều 561 khoản 2, điều 590 khoản 1 điểm b) chỉ dùng để giải quyết bồi thường thiệt hại, tranh chấp khi bên mua và bên bán không có thỏa thuận về giá cả hay chất lượng. Còn trong quan hệ cung ứng dịch vụ viễn thông, người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ đều có thể thỏa thuận và thực tế có điều khoản thỏa thuận về giá. Nên việc áp dụng “giá trung bình” để hạn chế cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng là áp dụng sai luật, trái với tinh thần của Bộ luật Dân sự. Dùng giá trung bình của ba doanh nghiệp dẫn đầu thị trường để ấn định “giá sàn”/ “giá tối thiểu” càng không phù hợp.
Võ Trí Hảo (Chương trình Thạc sĩ luật kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM)
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
(1) http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20120112000991
(2) https://congnghe.tuoitre.vn/lam-gia-san-pham-samsung-lg-bi-phat-473823.htm
(3) https://vietnamfinance.vn/vietnamobile-chung-toi-dung-truoc-nguy-co-bi-tieu-diet-vi-chinh-sach-bat-cong-va-doc-quyen-20180504224220090.htm?fbclid=IwAR1X6xyhBbmLZ-SsrpA2K5BnOT3JeV5XWWTae6iS-HQOHaR4V8I8GezofXI