Ở Việt Nam, giới phân tích và hoạch định chính sách tin tưởng vào một mối quan hệ chặt chẽ, thậm chí tuyến tính giữa ngoại thương và tăng trưởng kinh tế. Từ đó, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu luôn được coi là một trong những chỉ tiêu kinh tế quan trọng nhất và được Quốc hội thông qua hàng năm, giao xuống Chính phủ thực hiện. Ví dụ, chỉ tiêu của Quốc hội về tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 ở mức 7-8%, cao hơn so với chỉ tiêu của năm 2017 là 6-7%. Tuy nhiên bản chất của con số tăng trưởng này là gì và tác động đến nền kinh tế như thế nào lại là một vấn đề gây tranh cãi.

Ngoại thương và nền kinh tế gia công

So với nền kinh tế trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu theo GDP cao nhất, lên đến trên 180%. Con số này khoảng 120% GDP ở Thái Lan hay Malaysia, và đặc biệt chỉ chưa đến 40% ở nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong bốn thập kỷ vừa qua là Trung Quốc. Rõ ràng ngoại thương không phải là một chỉ số kinh tế tốt để căn cứ vào đó đánh giá trình độ phát triển hay tiềm năng của một nền kinh tế.

Việt Nam là một nền sản xuất gia công thuần túy, sự tham gia của các yếu tố đầu vào nội địa trong quá trình sản xuất rất hạn chế, chủ yếu là các tài nguyên dạng thô như đất đai, nguồn nước, khoáng sản và nguồn lao động trình độ thấp, giá rẻ. Trong chuỗi sản xuất toàn cầu, Việt Nam ở thang bậc thấp nhất là lắp ráp và đóng gói sản phẩm. Trình độ sản xuất non yếu này khiến cho sự tăng trưởng ngoại thương của Việt Nam có sự khác biệt cơ bản so với nước láng giềng Trung Quốc. Ngoại thương không mang lại cho Việt Nam thặng dư thương mại và nguồn dự trữ ngoại hối đủ lớn để gia tăng tính ổn định của nền kinh tế. Lý do rất đơn giản, chúng ta gần như chỉ đơn thuần xuất đi những thứ chúng ta nhập về sang một nước thứ ba. Giá trị gia tăng của các công đoạn sản xuất nội địa không đáng kể để tạo nên phần thặng dư như quốc gia láng giềng.

Các hiệp định thương mại tự do mới (FTA) liên tục được ký kết với các đối tác quan trọng như EU, Nhật Bản và các quốc gia trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đi kèm với đó là các kỳ vọng về tăng trưởng hơn nữa của hoạt động ngoại thương. Tuy nhiên, với vị trí thấp kém trong chuỗi sản xuất hiện nay, các FTA có thể chỉ giúp biến Việt Nam trở thành điểm tập kết hàng hóa của các tập đoàn nước ngoài trước khi xuất khẩu vào một nước thứ ba nhờ lợi thế về thuế suất. Câu chuyện về việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu lên mặt hàng máy giặt và pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam (và một số nước) do Việt Nam nằm trong nhóm nước xuất khẩu hàng đầu về mặt hàng vào Mỹ là chỉ dấu cho thấy các thị trường nhập khẩu lớn thấy rõ tác động có thể không mong muốn này của các FTA đến Việt Nam. Và, trong khi các tập đoàn sản xuất nước ngoài đang rục rịch tìm cách chuyển nhà máy khỏi Việt Nam đến Mỹ hoặc một nước khác có mức thuế cạnh tranh hơn, có lẽ là lúc chúng ta nhìn thấy rõ nhất việc các nhà đầu tư nước ngoài đến rồi đi và để lại những gì.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan trong năm 2017, khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu và tương ứng 60% kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế. Việc tăng trưởng xuất khẩu và ngoại thương ở Việt Nam, phần lớn là câu chuyện của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tăng trưởng ngoại thương bao nhiêu?

Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng về ngoại thương là một việc làm không cần thiết. Chính phủ rõ ràng thiếu các công cụ chính sách để tác động lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đa quốc gia để thực hiện mục tiêu được giao về tốc tộ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Quan trọng hơn, tăng trưởng ngoại thương hoàn toàn không phải là điều kiện cần để tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Một tỷ lệ cao hơn của kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP có thể chỉ đơn thuần phản ánh căn bệnh của nền kinh tế gia công đang trở nên trầm trọng hơn và sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp sản xuất FDI đang ngày càng nhiều hơn. Tăng trưởng ngoại thương do đó là một tín hiệu buồn hơn là một điều tích cực.

Với một nền kinh tế chưa toàn dụng lao động như Việt Nam, lực lượng lao động dôi dư còn rất nhiều cả ở khu vực thành thị và nông thôn, hoạt động sản xuất gia công là bước đầu không thể tránh khỏi mà mọi nền kinh tế đều phải trải qua để hấp thụ hết lượng lao động dôi dư. Tuy nhiên, nền sản xuất gia công như hiện nay không mang đến những cơ hội để Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình cao như các nền kinh tế bên cạnh. Tăng trưởng ngoại thương về mặt lượng như hiện nay đơn thuần chỉ là những con số thống kê không có nhiều ý nghĩa, và chắc chắn không phải là chìa khóa để tiến tới một trình độ phát triển kinh tế cao hơn.

Xu thế bảo hộ thương mại đang trở lại mạnh mẽ trên bình diện toàn cầu và Mỹ là nước đang đi tiên phong trong xu thế đó. Thương mại toàn cầu là cuộc chơi lợi ích giữa các nước lớn và ở đó các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam có rất ít tiếng nói. Theo sau máy giặt và pin mặt trời, nhôm và thép nhập khẩu vừa bị tăng thuế (nhôm 10% và thép 25%) nhằm bảo hộ sản xuất của Mỹ, và điều này ít hay nhiều cũng sẽ tác động đến Việt Nam khi chúng ta cũng nằm trong nhóm các nước xuất khẩu nhiều nhất hai kim loại này vào Mỹ. Tuy nhiên có lẽ cũng không cần phải quá lo lắng bởi suy cho cùng nếu như ngoại thương đã không mang đến quá nhiều lợi ích cho Việt Nam thì sự mất đi các cơ hội xuất khẩu cũng sẽ không có quá nhiều bất lợi.

Hơn hết, có lẽ đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam rà soát lại các chiến lược phát triển công nghiệp. Nếu như các doanh nghiệp FDI và tăng trưởng xuất khẩu đã không thể là chìa khóa để Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của mình, chú trọng thị trường nội địa có thể là một hướng đi mới nhiều hứa hẹn. Với dân số gần 100 triệu người và sức tiêu thụ gia tăng nhanh chóng, thị trường nội địa của Việt Nam hoàn toàn có đủ yếu tố quy mô để xây dựng các ngành công nghiệp mạnh. Trong quá khứ chúng ta đã từng thất bại và chịu nhiều hệ lụy trong phát triển sản xuất công nghiệp dựa trên các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước. Bài học chung từ sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan hay gần đây là Trung Quốc là vai trò tiên phong và quyết định của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và sự hưởng ứng của thị trường nội địa.

Phạm Văn Đại
TheSaigonTime