Các quy định về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn quá cao trên rau củ quả đang là các yếu tố “cản đường” các sản phẩm rau quả của Việt Nam vào thị trường EU.
Tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU” do Mutrap phối hợp với SPS tổ chức tại Tp.HCM ngày 9/10, các chuyên gia cho biết Việt Nam đang đàm phán với EU để thương lượng lại hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Đạt cho biết, trong 9 tháng 2017, xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh, với kim ngạch đạt 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả vào EU chưa đạt được tăng trưởng đáng kể, mới chỉ đạt kim ngạch 100 triệu USD, trong khi xuất khẩu của toàn ngành tăng rất cao.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Ruggero Malossi, chuyên gia quốc tế dự án EU – Mutrap thông tin rằng, các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào EU phải đáp ứng nhiều yêu cầu, đơn giản như về chất lượng đóng gói cũng cần phải giải quyết để cạnh tranh trên thị trường châu Âu.
Dù rằng mọi người thường nói EU là thị trường dễ tính hơn các thị trường khác, nhưng thực tế không phải thế. Bởi, chỉ với việc thỏa mãn các hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật có trên rau quả cũng đã là vấn đề. Vả lại, người tiêu dùng EU lại rất khó tính về việc tiêu dùng thực phẩm.
Do vậy, chính phủ các thị trường trong khu vực này đưa ra những yêu cầu khắt khe và kiểm soát rất ngặt nghèo hàng hóa rau quả ở bên ngoài khi nhập khẩu vào đây qua ba hình thức là kiểm tra trên giấy tờ, giám sát điều kiện sản xuất và kiểm tra hàng hóa thực tế trên thị trường. Từ năm 2013, EU đã ban hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Cũng theo ông Ruggero Malossi cho biết, EU có 1 danh sách các thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng, và một loạt các hạn mức dư lượng đặt ra cho nhà nhập khẩu của các thị trường trong EU phải tuân thủ.
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu và nắm vững các thông tin để xuất khẩu vào thị trường này được thuận lợi. Ngay như vật liệu đóng gói hàng nhập vào thị trường này cũng phải tuân thủ các quy chuẩn của EU về độ an toàn của các vật dụng nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt, sức khoẻ của người dân.
Hiện tại, Việt Nam đang xuất nhóm các mặt hàng rau quả sang EU là trái cây tươi, rau quả qua chế biến, rau củ tươi như rau gia vị - đây là mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu rau quả vào EU của Việt Nam. Đối với trái cây thì các loại quả như chanh dây, thanh long, xoài, dứa đang chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng và kim ngạch xuất vào EU.
Một vấn đề cản trở việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào EU chính là tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ý kiến của các hợp tác xã nông nghiệp, khi nông dân Việt Nam chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ nên việc triển khai kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm là không dễ. Mọi người lại không có nhiều kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường. Việc tiếp cận các thông tin không phải ai cũng thực hiện được.
Đồng thời, làm thế nào để đảm bảo các hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ngưỡng các thị trường xuất khẩu yêu cầu.
Những vườn trồng rau gia vị đăng ký xuất vào EU đều được phía thị trường giám sát, kiểm tra và cấp mã số. Cách làm này được phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá cao về hiệu quả. Tuy nhiên, các loại cây ăn trái khác chưa có biện pháp để giảm thiểu hàm lượng các dư chất trừ sâu.
Ông Đạt cho rằng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất để đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tốt nhất là có quy hoạch các vùng sản xuất Vietgap và áp dụng thao tác bọc trái, quản lý vùng sản xuất theo mã số như cách thức và kinh nghiệm đã làm trong chương trình tiền chứng nhận trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ. Còn, những sản phẩm trái cây và rau củ chế biến cần nghĩ tới chuyện làm phong phú mặt hàng hơn, song song là tăng cường quảng bá.
Theo ông Đàm Quốc Trụ, chuyên gia tư vấn của Mutrap, Bộ Công Thương cần nghiên cứu và đề xuất các thị trường tiềm năng; xây dựng chiến lược mở cửa thị trường phù hợp đã có điều kiện vận chuyển thuận lợi và các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh có thể khai thác. Từ đó, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung.
Cần nghiên cứu chính sách đầu tư công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật, công nghệ bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Đồng thời, nên tính tới chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm có đủ năng lực cạnh tranh.
LÊ MÂY
Nguồn: Vneconomy.vn