Các nước phát triển đang có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm SHTT bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự, không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuân thủ theo những quy định có liên quan đến SHTT trong các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ và BSA Liên minh Phần mềm tổ chức toạ đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)” ngày 20-4 tại TPHCM.
Tọa đàm "Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ
theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)" tại TPHCM ngày 20-4. Ảnh: AY
Theo ban tổ chức, buổi tọa đàm này nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp và các nhà quản lý hiểu biết rõ hơn các quy định của pháp luật Việt Nam về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực thi quyền SHTT theo quy định mới, đồng thời giúp các doanh nghiệp có giải pháp cần thiết để bảo vệ an toàn thông tin, quyền SHTT và tránh những nguy cơ trách nhiệm hình sự nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững.
Tại tọa đàm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho hay Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế với khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do với các đối tác hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Việc thực thi quyền SHTT, trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự, là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp đình thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển. Đặc biệt, các nước phát triển đang có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm SHTT bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự, không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.
Theo ông Lâm, những sự thay đổi này đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước rất nhiều thách thức về việc tuân thủ theo những quy định mới. Cụ thể, trong Chương 18 của TPP-CPTPP, những quy định về SHTT sẽ bảo hộ quyền này ở mức cao hơn, thông qua việc mở rộng đối tượng quyền SHTT, đơn giản hóa thủ tục xử lý đơn, minh bạch hóa thông tin đăng ký và kéo dài thời gian bảo hộ… Ngoài việc tặng cường thực thi quyền sở hữu tí tuệ trong môi trường số, kiểm soát biên giới, xử lý hình sự và chủ động khởi tố còn bổ sung hành vi phạm tội (xâm phạm bí mật thương mại, hành vi là tiền đề xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan…).
Các chuyên gia tại toạ đàm cũng cho rằng bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm trong nội bộ và có hành động kịp thời để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Minh cũng kỳ vọng, với khung hình phạt nghiêm khắc mới mà Bộ Luật hình sự 2015 sẽ áp dụng đối với pháp nhân thương mại cố tình vi phạm bản quyền phần mềm máy tính nói riêng và quyền tác giả nói chung, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam sẽ có thể giảm xuống đáng kể, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM, cho biết trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có ý thức và dành nhiều sự quan tâm trong việc bảo vệ quyền SHTT của mình thông qua việc đăng ký bảo hộ. Ông Liêm trích dẫn số liệu từ báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp vào cơ quan này trong năm 2016 tăng 14,2% so với năm 2015; kết quả sở lý đơn sáng chế năm 2016 tăng 23% so với năm 2015. “Tuy nhiên , việc nhận thức về những hành vi vi phạm quyền SHTT, quyền tác giả trong đó có bản quyền phần mềm vẫn chưa được các đơn vị nhận thức đầy đủ”, ông Liêm nhấn mạnh.
Theo kết quả thanh tra bản quyền phần mềm năm 2017 của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, qua thanh tra 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính, đã phát hiện 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, bị xử phạt 1,65 tỉ đồng. Riêng đầu năm 2018, tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 đoanh nghiệp, đã xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng.
Theo An Yên
TBKTSG