Trong những năm gần đây, câu chuyện “giải cứu nông sản” đã không còn mới trên các bản tin thời sự. Tình trạng nông sản “được mùa mất giá - được giá mất mùa” đang là bài toán hóc búa đặt ra cho các nhà quản trị nông nghiệp lúc này bởi vì hành động “giải cứu” chỉ được xem là biện pháp tạm thời.

Thực tế, trong hai năm trở lại đây, các loại nông sản như hành tím, cà chua, dưa hấu… và gần đây nhất là củ cải rơi vào tình trạng cần phải “giải cứu”. Nhiều chuyên gia cho rằng không thể để tình trạng đi “giải cứu” này diễn ra mãi được, đã đến lúc các cơ quan quản lí phải tiến hành xem xét, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tìm ra phương hướng giải quyết triệt để, lâu dài.


Củ cải được bán hộ người nông dân với giá 5000đ/1kg. Ảnh: Tri thức trẻ

Lý giải tình trạng củ cải để thối rữa trắng vườn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân khiến người dân để mặc cho nông sản thối rữa như vậy là do nguồn cung dư thừa, người dân đành phải dỡ bỏ để giải phóng đất, tiếp tục trồng các loại rau khác. Nguyên nhân sâu xa khiến hiện tượng này xảy ra vẫn là do người dân trồng tràn lan, nông sản tắc đầu ra. Sự thiếu thông tin về cung cầu làm cho người dân không xác định được lượng nông sản phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường. Hoạt động nghiên cứu thị trường mang tính đột xuất, thời vụ khi có yêu cầu, thường tìm hiểu thông tin về giá cả hơn là phân tích, dự báo về quy mô thị trường đầu ra.


Người dân thu hoạch củ cải tại huyện Mê Linh - Hà Nội. Ảnh: ANTĐ

Để khắc phục tình trạng “được mùa mất giá - được giá mất mùa” đã nêu ở trên, ông Sơn cho biết người nông dân cần phải tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, cùng liên kết lại với nhau thành tổ đội sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã. Việc này giúp người nông dân sản xuất chủ động, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ được ký kết trước khi vào vụ. Nếu thực hiện được như vậy, người dân sẽ không phải lo đến việc sản xuất ra không biết bán cho ai hay sự lên xuống của thị trường.

Cục cũng nhận thấy việc đưa nông sản vào siêu thị phải đúng mẫu mã, chất lượng, tem nhãn nhận diện sản phẩm là việc làm cấp thiết và lâu dài. Ghi nhận từ Sở Công thương, tỉ lệ người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị tăng 10-20% so với cùng kì năm trước. Bởi vậy, ngoài đáp ứng được yêu cầu về số lượng, người nông dân cũng cần phải hướng tới mẫu mã, chất lượng của nông sản, mà cách tốt nhất là xây dựng, bảo hộ thương hiệu để người tiêu dùng có thể nhận biết và gắn bó với sản phẩm.

Tại CONCETTI, Ban Tư vấn Quản lý (TVQL) đã và đang kết hợp với Ban Sở hữu Trí tuệ (SHTT) thực hiện một số các dự án về xây dựng và quản lý thương hiệu cho các đặc sản địa phương, trong đó việc xác lập quyền cho các sản phẩm địa phương đang góp phần giải quyết bài toán khó về tem nhãn nhận diện sản phẩm như đã nêu ở trên.

 Không chỉ vậy, hướng đi trọng tâm của Công ty trong thời gian tới là hoạt động liên kết thị trường từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là phát triển về chuỗi, tạo ra điều kiện phát triển và hướng đi lâu dài cho người nông dân cũng như các sản phẩm nông nghiệp.

Phương Linh tổng hợp