Kỳ 1: Vài nét về Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Sau hơn 25 năm thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA, có thể thấy ODA là nhân tố đặc biệt cho sự phát triển của Việt Nam, giúp đất nước hoàn thành các kế hoạch và chiến lược lâu dài. Các dự án sử dụng vốn ODA bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cụ thể:
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Các chương trình và dự án ODA đã thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, như: các chương trình phát triển thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển lưới điện nông thôn… Bên cạnh đó, các chương trình, dự án ODA cũng đã hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ nông nghiệp giúp nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Về năng lượng: Nhờ có ODA, Việt Nam đã xây dựng hàng loạt các dự án nguồn thuỷ điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo, lưới điện và trạm phân phối... góp phần nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải, phân phối, quản lý hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải cao với tốc độ 15%-17%/năm.
Về giao thông vận tải: Đây là ngành tiếp nhận vốn ODA nhiều nhất với tổng cộng 288 dự án tính đến thời điểm hiện tại. Một số dự án tiêu biểu như Đường sát trên cao Cát Linh - Hà Đông (ODA của Trung Quốc), xây dựng cầu Nhật Tân (Nhật Bản), cao tốc Hà Nội - Lào Cai (ADB)…
Công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Internet
Trong giáo dục và đào tạo: Tất cả các cấp học đều nhận được sự hỗ trợ thông qua các chương trình và dự án ODA, giúp tăng cường năng lực dạy và học, hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi được đến trường, đẩy mạnh giáo dục cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, còn phải kể đến các dự án hỗ trợ kỹ thuật đã đào tạo cho nhiều cán bộ Việt Nam ở các cấp về nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế, tài chính ngân hàng…
Về y tế: các chương trình, dự án ODA đã tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cho công tác khám và chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, xây dựng cơ sở sản xuất kháng sinh, trung tâm truyền máu quốc gia... Sự hỗ trợ của ODA đã góp phần vào những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) liên quan tới y tế.
Trong phát triển đô thị và bảo vệ môi trường: Từ nguồn vốn ODA, hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn đã được xây dựng mới, cải tạo hoặc mở rộng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, thoát nước và một số nhà máy xử lý nước thải. Nhiều thành phố ở Việt Nam đã được cải thiện về môi trường bằng các dự án vốn ODA, điển hình thành công là dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được cải tạo. Ảnh: Internet
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ: Nhiều kỹ năng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến được chuyển giao cho các cơ quan, các trung tâm nghiên cứu về công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ xây dựng... Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội do Nhật Bản tài trợ là một thí dụ điển hình.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Internet
Về xây dựng thể chế: Thông qua việc tiếp nhận nguồn vốn ODA, Việt Nam đã học hỏi được những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý trong quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là quá trình chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhiều dự thảo luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đã được xây dựng với sự hỗ trợ của nguồn vốn ODA, như: Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp…
(còn tiếp)
Phương Linh
Theo: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/von-oda-doi-voi-phat-trien-viet-nam-20-nam-nhin-lai-36974.html
Kỳ 3: “Quy hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chính thức thời kỳ 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 thành phố Cần Thơ”