Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho rằng, đẩy mạnh việc thực thi Quyền sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam không phải là câu chuyện làm giàu cho các công ty lớn mà chính là để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Trả lời báo chí bên lề hội thảo về bảo hộ Quyền sở hữu Trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 12/3/2018, đại diện Hiệp Hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, đẩy mạnh việc thực thi Quyền sở hữu Trí tuệ sẽ giúp nâng cao nấc thang phát triển kinh tế, đặc biệt tạo việc làm cũng như môi trường phát triển cho giới trẻ.

Việt Nam hiện có hơn 93 triệu dân, trong đó phần lớn là dân số trẻ. Họ là những người có sức trẻ, được giáo dục và mong muốn có được những công việc tốt hơn cũng như được làm việc trong một môi trường coi trọng và khuyến khích sự phát triển và sáng tạo.

Đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, bảo vệ Quyền sở hữu trí Tuệ khuyến khích tinh thần kinh doanh, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, cùng với đó thúc đẩy sự phát triển của các hệ sinh thái công nghệ cao và những công việc thu nhập cao cho lao động có trình độ.

Nếu không có việc bảo hộ ý tưởng, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ không thể gặt hái được toàn bộ lợi ích từ những phát minh của họ và ít tập trung hơn vào việc nghiên cứu, phát triển. Tương tự như vậy, các nghệ sĩ sẽ không được đền đáp xứng đáng cho sáng tạo của mình và hậu quả là sức sống của nền văn hóa sẽ ảnh hưởng.

Ông Adam Sitkoff cho rằng, việc ăn cắp, sao chép ý tưởng, nhãn hiệu, bí quyết, công thức sản phẩm và thậm chí là làm giả địa chỉ website sẽ khiến nhiều người sợ làm kinh doanh tại Việt Nam.

Theo quan sát của lãnh đạo AmCham, rất khó để xây dựng thương hiệu tại Việt Nam vì vậy vi phạm Quyền sở hữu Trí tuệ là một vấn đề vô cùng lớn. Tuy nhiên, ông cho rằng, đây không chỉ là việc hỗ trợ các nghệ sĩ hay các công ty bảo vệ thương hiệu mà còn là một vấn đề mang tính toàn cầu. Nếu không có sự cải thiện trong việc thực thi Quyền sở hữu Trí tuệ, khách hàng sẽ chính là những người bị tổn thương.


Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Hiệp Hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham)

Việc thực thi Quyền sở hữu Trí tuệ còn quan trọng hơn khi Việt Nam đang bước vào nền thương mại điện tử; điều này sẽ giúp tạo nên một môi trường lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo và phát triển; nhờ đó, người trẻ Việt có thể tìm thấy nhiều cơ hội hơn.

Để đảm bảo việc thực hiện Quyền sở hữu Trí tuệ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh, đại diện AmCham đề xuất hai giải pháp lớn cần được quan tâm. Thứ nhất, cơ chế thực thi của Chính phủ cần được cải tiến một cách rộng rãi để có thể xóa bỏ, trừng phạt và ngăn chặn các hành vi vi phạm một cách hiệu quả.

Ông cho rằng, những lo ngại cơ bản vẫn còn tồn tại về việc thực thi không đồng đều, những khoản phạt hành chính không đủ ảnh hưởng để có thể giữ vai trò như một biện pháp ngăn chặn thực sự.

“Tại việt Nam, người vi phạm có thể sẽ bị bắt và sau đó sẽ phải nộp phạt và rồi được thả một vài ngày sau đó và gần như chẳng có vấn đề gì to tát. Chúng tôi không muốn thấy tình trạng đấy vì như thế chẳng giải quyết được vấn đề gì cả; chúng tôi cần nhìn thấy những biện pháp cứng rắn hơn để răn đe những người vi phạm, những người ăn cắp ý tưởng và sự sáng tạo của người khác”, ông Adam Sitkoff bày tỏ quan điểm.

Giám đốc điều hành của AmCham nhấn mạnh, việc thực thi có hiệu quả chính là việc trừng phạt những người vi phạm Quyền sở hữu Trí tuệ theo cách thức mà sẽ ngăn cản họ và những người khác thực hiện hành vi đó trong tương lai.

Bên cạnh đó, lãnh đạo AmCham cho rằng, Việt Nam cần nâng cao năng lực của những người làm trong lĩnh vực này, giải quyết sự thiếu tương xứng trong khả năng, năng lực của thanh tra viên và các các quan chức địa phương... để họ biết họ đang làm gì và cần truy tố vụ án này như thế nào.

Trong xu thế hội nhập, Việt Nam càng ngày càng tham gia mạnh mẽ và rộng rãi vào các hiệp định thương mại tự do (FTA); đặc biệt vừa qua, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã được ký kết. Bên cạnh những lợi ích to lớn, những thách thức mà các Hiệp định này mang lại cũng không hề ít, đặc biệt là trong vấn đề bảo hộ Quyền sở hữu Trí tuệ.

Mặc dù có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc thay đổi trong CPTPP so với các thỏa thuận từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ do Mỹ rút khỏi hiệp định TPP nhưng ông Adam Sitkoff cho biết, Mỹ đang tiến hành soạn thảo và gửi văn bản tới các quốc gia với một số nội dung, trong đó có việc thúc đẩy bảo hộ Quyền sở hữu Trí tuệ.

Hiện nay, vẫn chưa rõ nội dung chi tiết nhưng Giám đốc Điều hành AmCham hy vọng rằng dù Mỹ rút khỏi TPP, các quốc gia bao gồm Việt Nam vẫn sẽ đẩy mạnh thực thi Quyền sở hữu Trí tuệ vì điều đó sẽ mang lại những nguồn lợi to lớn cho chính các quốc gia và cả người dân.

Theo Đặng Hoa
TheLeader