Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được ban hành đã tạo công cụ pháp lý để cơ quan Nhà nước thực hiện quản lý, xử phạt, răn đe các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo thời gian, với sự biến chuyển khó lường của vấn nạn “thực phẩm bẩn”, kéo theo là sự lo lắng của toàn xã hội thì Nghị định 178 đã bộc lộ một số bất cập như chưa quy định các hành vi vi phạm mới, mức chế tài chưa đủ mạnh v.v. Vì vậy, Bộ Y Tế đã đưa ra dự thảo thay thế cho Nghị định 178/2013/NĐ-CP.

Dự thảo bổ sung thêm một số hành vi vi phạm để phù hợp với tình hình xã hội hiện nay. Cụ thể, hành vi sử dụng nguyên liệu, các chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ thuộc diện phải công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm nhưng không công bố để sản xuất; hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, kinh doanh thủy sản có chất bảo quản cấm sử dụng; vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên đường, vi phạm về nhãn hàng hóa; kinh doanh thực phẩm đã quá hạn; vi phạm quy định quảng cáo về an toàn thực phẩm… đều sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo từng mức độ. Các hành vi vi phạm hiện nay tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, với quy mô lớn nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng không tốt, gây hại đối với người tiêu dùng.

Điều đáng chú ý nhất tại Dự thảo là Chính phủ đã tăng hình thức xử lý và mức tiền phạt vi phạm hành chính nhằm tăng tính răn đe. Dự thảo đề xuất bổ sung thêm hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm đối với một số hành vi, đồng thời thời gian đình chỉ hoạt động cũng được đề xuất tăng thêm thành từ 3 đến 9 tháng thay vì từ 1 đến 6 tháng như hiện tại. Mức phạt tiền nhìn chung được tăng gấp đôi đối với nhiều hành vi so với Nghị định 178/2013/NĐ-CP, thậm chí có hành vi mức phạt được tăng gấp mười lần (hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản). Ngoài ra, dự thảo cũng loại bỏ mức phạt cảnh cáo đối với nhiều hành vi vi phạm.

Về các biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo bổ sung một số biện pháp mới như buộc thu hồi tang vật để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế, thực hiện khám sức khỏe định kỳ; buộc xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tịch thu hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng. Dự thảo bãi bỏ hình thức buộc tiêu hủy giấy tờ giả để phù hợp với điều 341 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13.

Đứng trên góc độ người tiêu dùng, an toàn thực phẩm đang là mối lọ sợ đối với toàn xã hội, vì vậy việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 178/2013 là vô cùng cần thiết. Nhận thấy các hình thức xử phạt hiện nay còn quá nhẹ. Các cá nhân, tổ chức vi phạm không có tâm lí “sợ” và sẵn sàng nộp phạt do lợi nhuận thu về từ các hành động bất chính cao hơn rất nhiều so với mức phạt khi bị phát hiện. Bên cạnh các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính, để bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần thật sự sát sao, xây dựng một đội ngũ kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm kịp thời phát hiện xử lí các hành vi vi phạm trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nguyễn Huyền