Thương mại hóa tài sản trí tuệ là một đòi hỏi tất yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Thực tế đã chỉ ra rằng, thương mại hóa tài sản trí tuệ còn là công cụ, động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

1. Vai trò của DNNVV đối với nền kinh tế 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, DNNVV được coi là động lực chính cho sự tăng trưởng toàn cầu, chiếm 90% số lượng doanh nghiệp và hơn 50% số lượng việc làm toàn cầu; chiếm khoảng 70% tổng khối lượng hàng hóa, dịch vụ và tạo ra khoảng hơn 50% tổng số sáng kiến, đổi mới công nghệ toàn cầu.

Ở Việt Nam, DNNVV cũng là bộ phận quan trọng chiếm khoảng 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước, sử dụng 51% số lượng lao động và đóng góp hơn 40% vào GDP. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2020, Việt Nam có khoảng 400.000 DNNVV đang hoạt động1

Theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, DNNVV được xác định bao gồm: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí (i) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc (ii) tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. DNNVV được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ. 

Trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi hết sức căn bản tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV phát triển. Tuy nhiên, các điều kiện khách quan và biến động của tình hình kinh tế thế giới đã làm cho khối doanh nghiệp này gặp khá nhiều khó khăn, như: khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển; kinh nghiệm quản trị điều hành; năng lực cạnh tranh; dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường... Do vậy, rất cần có những giải pháp hữu hiệu để khối doanh nghiệp này - tuy rất năng động, nhưng cũng dễ tổn thương - có sự phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới. Sự lớn mạnh cả về số lượng, quy mô hoạt động và cả về nội lực của khu vực DNNVV sẽ có tác động to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

2. Tầm quan trọng của tài sản trí tuệ đối với DNNVV

Các kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, do các điều kiện hạn chế về quy mô, khả năng tài chính, nguồn nhân lực chuyên sâu…, DNNVV thường có khối lượng tài sản trí tuệ không lớn. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc năm 2019, chỉ 20% DNNVV có quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ, trong số đó, chỉ 7% sở hữu nhiều hơn 01 quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ2.

Trong khi đó, thực tế đã chỉ rõ rằng tài sản trí tuệ có vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của DNNVV. Tài sản trí tuệ có mặt và đóng vai trò thúc đẩy hầu hết mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNVV, đồng thời tạo ra các giá trị kinh tế hữu hình thông qua việc chuyển giao quyền sử dụng, góp vốn, đầu tư...

Trong số các loại tài sản trí tuệ thì nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại thể hiện rõ nét nhất vai trò của nó đối với DNNVV. Đây là những công cụ marketing đắc lực của DNNVV, giúp khắc họa hình ảnh doanh nghiệp trong tâm thức người tiêu dùng, từ đó tạo bước đi vững chắc cho doanh nghiệp tới các thị trường mục tiêu, thúc đẩy quá trình quảng bá, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm, dịch vụ của DNNVV. Bên cạnh đó, sáng chế cũng là một loại tài sản trí tuệ cốt lõi giúp DNNVV cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đà để DNNVV phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Theo Báo cáo thống kê của Ủy ban Châu Âu năm 2020: DNNVV sở hữu 01 quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ có doanh thu cao hơn 20% so với các doanh nghiệp không có quyền sở hữu trí tuệ3.

Ở Việt Nam, có thể thấy các doanh  nghiệp sở hữu số lượng tài sản trí tuệ được bảo hộ nhiều đều là các doanh nghiệp có quy mô lớn và có vị thế trên thị trường. Một số doanh nghiệp sở hữu số lượng lớn sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được bảo hộ như: Công ty Cổ phần sao Thái Dương, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty Cổ phần Kinh Đô... Đối với các doanh nghiệp này, giá trị và những lợi ích kinh tế mà tài sản trí tuệ mang lại chiếm một phần không nhỏ trong tổng giá trị của doanh nghiệp. Trong khi đó, các DNNVV Việt Nam sở hữu số lượng tài sản trí tuệ còn rất hạn chế. 

3. Thương mại hóa tài sản trí tuệ trong DNNVV

Thuật ngữ “Thương mại” theo định nghĩa tại Luật Thương mại 2005 là “Hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Hoạt động thương mại mang lại cho chủ sở hữu hàng hóa những giá trị, lợi ích kinh tế cụ thể. Tài sản trí tuệ cũng được coi là một loại hàng hóa và nó có thể mang lại cho chủ sở hữu những lợi nhuận nhất định thông qua hoạt động thương mại.

“Thương mại hóa” (commercialization) tài sản trí tuệ có thể được hiểu theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng. 

Theo nghĩa hẹp, “Thương mại hóa tài sản trí tuệ” là việc chuyển hóa tài sản trí tuệ thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường, từ đó mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu. 

Theo nghĩa rộng, “Thương mại hóa tài sản trí tuệ” là hoạt động, quá trình khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ để đổi lại các lợi ích kinh tế, phục vụ mục đích cụ thể do chủ sở hữu tài sản trí tuệ đặt ra. 

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp chỉ thực sự có ý nghĩa khi quyền sở hữu trí tuệ đó được thương mại hóa, mang lại lợi ích cho chủ sở hữu. 

Để đảm bảo hiệu quả tối ưu, các dạng tài sản trí tuệ khác nhau yêu cầu các chiến lược thương mại hóa khác nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải nắm bắt và quản lý một cách chặt chẽ các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình từ đó đưa ra các phương án thương mại hóa tương ứng, phù hợp. Chẳng hạn như: sáng chế là đối tượng cần vốn đầu tư lớn, vận hành dựa trên công nghệ nên có thể được thương mại hóa bằng hình thức chuyển giao quyền sử dụng hoặc liên doanh (thường đi cùng với bí mật thương mại và bí quyết kĩ thuật, công nghệ); nhãn hiệu là linh hồn của doanh nghiệp, cần nhiều thời gian để tạo dựng và phát triển nên có thể được thương mại hóa bằng hình thức chuyển quyền sử dụng hoặc nhượng quyền thương mại; quyền tác giả có thể được thương mại hóa bằng hình thức chuyển quyền sử dụng thông qua các mô hình kinh doanh... 

Thương mại hóa tài sản trí tuệ cần phải được xây dựng thành chiến lược dài hạn và được triển khai theo từng giai đoạn tương ứng với các giai đoạn thị trường. Trong từng thời điểm, DNNVV có thể cân nhắc điều kiện thực tế của mình và tình hình thị trường để ưu tiên lựa chọn hình thức thương mại hóa tài sản trí tuệ phù hợp. 

Cũng tương tự như tài sản hữu hình, để có thể thương mại hóa (lưu thông) được, tài sản trí tuệ phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Phải được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam; Đang còn hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam và Không phải là các đối tượng đang bị tranh chấp.

Tài sản trí tuệ có thể được thương mại hóa theo các hình thức sau:

- Chủ sở hữu tự khai thác: Chủ sở hữu tự sử dụng các tài sản trí tuệ mà pháp luật quy định để thu lại các lợi ích kinh tế từ các tài sản trí tuệ mà mình sở hữu. 

Ví dụ: Công ty Cổ phần Hà Mỵ đăng ký nhãn hiệu là logo của Công ty và nhãn hiệu cho một số sản phẩm chủ lực trong đó có hạt điều Bình Phước - sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý – và sử dụng logo này trong mọi hoạt động giao dịch, sản xuất, kinh doanh, phân phối, xúc tiến thương mại và trên bao bì của toàn bộ sản phẩm sản của Công ty.

- Chuyển nhượng quyền sở hữu: Chủ sở hữu chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu của mình đối với tài sản trí tuệ cho chủ thể khác để đổi lại lợi ích tương ứng. Pháp luật có quy định những điều kiện ràng buộc đối với một số loại tài sản trí tuệ cụ thể như: Quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó. 

Ví dụ: Ra đời từ năm 1997, Diana là nhãn hiệu băng vệ sinh Việt của Công ty Cổ phần Diana, do anh em ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú thành lập năm 2017 với quy mô tại thời điểm thành lập là một doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; triển khai mạnh mẽ các chiến lược quảng bá và trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường. Khi đang ở trên đỉnh cao của sự phát triển, chủ sở hữu nhãn hiệu nhận định: nếu chỉ dựa vào tiềm lực hiện có của mình, Dianna sẽ chỉ phát triển trong nước, khó có thể vươn xa đến thị trường toàn cầu. Do đó, khi có cơ hội, họ đã quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu Dianna cho tập đoàn Unicharm (Nhật Bản). Việc chuyển nhượng nhãn hiệu giúp doanh nghiệp tối đa hóa giá trị nguồn vốn, tận dụng các thị trường mạnh mà công ty Nhật đang có. 

Diana được chuyển nhượng với mức giá gần 4.000 tỷ đồng vào năm 2011 (trong khi doanh nghiệp chỉ có tổng doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ 40 tỷ vào năm 2010). Đây là một trong những thương vụ có giá trị lớn nhất đối với một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vào thời điểm đó. Như vậy tại thời điểm chuyển nhượng, Unicharm đã định giá Diana ở mức 40 lần lợi nhuận của công ty (P/E 40 lần).

Nhờ chuyển nhượng nhãn hiệu Dianna, chủ sở hữu nhãn hiệu đã có khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới nổi là tài chính với việc trở thành thành viên hội đồng quản trị ngân hàng Tienphong Bank. Song song với đó, thương hiệu Diana đã được Unicharm cải tiến, phát triển lên tầm cao mới để cạnh tranh mạnh mẽ ra thị trường nước ngoài4.

- Chuyển quyền sử dụng: Đây là hình thức thương mại hóa tài sản trí tuệ phổ biến nhất và đang ngày càng được phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay. Pháp luật có quy định một số đối tượng không được chuyển quyền sử dụng hoặc bị hạn chế chuyển quyền sử dụng xuất phát từ tính chất đặc thù của các đối tượng này, như: Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và tên thương mại không được chuyển giao; Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó. Quyền sử dụng nội dung của các tác phẩm khoa học là bản viết của các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không thể chuyển giao được… Việc chuyển giao có thể được thực hiện bằng hình thức nhận quyền, chuyển quyền hoặc chuyển giao chéo. Các bên có thể thỏa thuận hình thức chuyển giao quyền sử dụng độc quyền hoặc không độc quyền.

Ví dụ: Nhãn hiệu thuốc “Coje” thuộc sở hữu của Công ty TNHH Đại Bắc được chuyển giao quyền sử dụng (độc quyền) cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 để sản xuất và kinh doanh. Trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ dòng chữ “Nhãn hiệu thuộc sở hữu của…” hoặc “Sản xuất theo nhượng quyền của…”. 

- Nhượng quyền thương mại: Áp dụng đối với một số loại tài sản trí tuệ cụ thể, gồm: nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh.

Ví dụ: “Phở 24” là một trong những ví dụ điển hình về mô hình nhượng quyền thương mại đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2003, cửa hàng Phở 24 đầu tiên ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh do Tiến sĩ Lý Quí Trung là người sáng lập. Với mô hình nhượng quyền thương mại, từ năm 2003 đến 2011, Phở 24 đã xây dựng được hệ thống khoảng 60 cửa hàng trên khắp Việt Nam và khoảng hơn 20 cửa hàng ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do phát triển ồ ạt trong khi quản lý hệ thống chưa tốt, cộng thêm khó khăn về mặt tài chính nên hệ thống nhượng quyền vận hành không như mong muốn. Năm 2011, chủ sở hữu nhãn hiệu “Phở 24” buộc phải chuyển nhượng quyền sở hữu cho Viet Thai International, thuộc tập đoàn Jollibee đến từ Phillipines5.

Một số mô hình nhượng quyền thương mại nữa đã để lại dấu ấn trên thị trường, mang lại những lợi nhuận kinh tế không nhỏ cho chủ sở hữu có thể kể đến như: Soya Garden, Bánh mì Minh Nhật, Kafa Cafe…

- Các hình thức khác: Góp vốn bằng tài sản trí tuệ, Liên doanh, Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ (spinout/spinoff)…

4. Tối ưu hóa hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ - một số lưu ý cho DNNVV

(i) DNNVV cần tìm hiểu và nắm bắt chặt chẽ, đầy đủ các quy định của luật sở hữu trí tuệ về cơ chế, căn cứ xác lập quyền: 

Một số đối tượng quyền sở hữu trí tuệ chỉ được xác lập trên cơ sở đăng ký bảo hộ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng), do đó, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ kịp thời, theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi của mình được bảo vệ một cách đầy đủ nhất. 

Một số đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được tự động xác lập mà không cần phải trải quy thủ tục đăng ký, tuy nhiên, để được bảo hộ, các doanh nghiệp cần đảm bảo các yêu cầu, điều kiện cụ thể theo quy định như: (i) Bí mật kinh doanh: phải được bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được; (ii) Tên thương mại: được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó; (iii) Quyền tác giả: phải được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định; (iv) Quyền liên quan: phải được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.

(ii) DNNVV cần thực hiện đầy đủ các thủ tục, yêu cầu theo quy định để quản lý quyền sở hữu trí tuệ của mình:

Quyền sở hữu trí tuệ phải được quản lý và duy trì thường xuyên, liên tục, mọi thay đổi đều phải được ghi nhận lại. Đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xác lập trên cơ sở đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mọi thay đổi chỉ có hiệu lực khi được đăng ký; ngoài ra, chủ sở hữu phải thực hiện các thủ tục gia hạn, duy trì hiệu lực theo quy định của pháp luật. 

(iii) DNNVV cần có bộ phận (có thể chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tùy thuộc điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp) để thực hiện chức năng quản lý và tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp mình. Cán bộ sở hữu trí tuệ cần được tham gia các khóa đào tạo về quản trị tài sản trí tuệ từ cơ bản đến nâng cao để đảm bảo có đủ các kỹ năng tổ chức triển khai thương mại hóa tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Trong những trường hợp cần thiết, cần xem xét thuê chuyên gia tư vấn chuyên sâu để đảm bảo có được phương án thương mại hóa tài sản trí tuệ có lợi nhất cho doanh nghiệp. 

Cần tiến hành việc kiểm toán tài sản trí tuệ (IP Audit) và lập danh mục tài sản trí tuệ để quản lý (nên sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác quản lý). Kiểm tra quyền sở hữu của những tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp tạo ra từ đó có phương án chuyển quyền đối với những tài sản trí tuệ không dùng đến; xem xét nhu cầu cần nhận chuyển giao quyền từ các tổ chức, cá nhân khác để có phương án đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao.

(iv) Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ mô hình của các nước phát triển, DNNVV cần quán triệt quy trình “Tạo dựng một doanh nghiệp thành công trước rồi sau đó thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ khi nền tảng cơ sở đã được xây dựng” để đảm bảo tính an toàn và khả năng phát triển bền vững. Quy trình gồm 3 bước chính như sau:

• Bước 1 - Tạo ra tài sản trí tuệ: Đây là giai đoạn đầu gắn với quá trình tạo dựng doanh nghiệp, bao gồm các hoạt động nghiên cứu và phát triển, triển khai ý tưởng từ đó xác định các nhóm quyền sở hữu trí tuệ hiện có và tiềm năng cũng như nhận diện các tài sản vô hình khác của doanh nghiệp.

• Bước 2 - Xác lập quyền sở hữu trí tuệ: Lập danh mục quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp và tiến hành các hoạt động xác lập quyền tương ứng, phù hợp với từng loại đối tượng tài sản trí tuệ. Thực hiện việc quản lý chặt chẽ, đầy đủ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo các đối tượng đó được duy trì hiệu lực thường xuyên, liên tục theo quy định. 

• Bước 3 - Thương mại hóa tài sản trí tuệ: Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thị trường để xây dựng chiến lược thương mại hóa tài sản trí tuệ gắn với chiến lược kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với thương mại hóa tài sản trí tuệ. 

Tài sản trí tuệ đã và đang khẳng định vai trò, tầm quan trọng của nó trong mọi mặt của đời sống xã hội. Tài sản trí tuệ được coi là động lực của cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế; động lực của đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu; động lực của phát triển trong xã hội nói chung. Với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và những biến động có khả năng ảnh hưởng tới cục diện toàn cầu như hiện nay thì cạnh tranh giữa các nền kinh tế chính là cạnh tranh về tài sản trí tuệ.

Trong bối cảnh đó, để chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng đứng vững và từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước, doanh nghiệp DNNVV Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tạo lập và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Đây chính là động lực, là phương tiện, công cụ giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững./.

Nguồn: ipvietnam.gov.vn

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Việt

1. WIPO (2001), Cẩm nang Sở hữu trí tuệ: Chính sách, Pháp luật và Áp dụng Cục Sở hữu trí tuệ biên dịch “Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use” và xuất bản.

2. WIPO (2006), Sở hữu trí tuệ dành cho doanh nghiệp Cục Sở hữu trí tuệ biên dịch “Intellectual Property for enterprises” và xuất bản.

3. Nguyễn Thị Thu Hà (2016), Mô hình thương mại hóa sáng chế và những chỉ dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Tài chính.

Tiếng Anh

4. DSTI DOC (2006)5, Valuation and exploitation of IP, DSTI Working Paper 2006/5 Statistical Analysis of Science, Technology ang Industry.

5. Sheehan, J., C. Martinez and D. Guellec (2004), “Understanding Business Patenting and Licensing: Results of  a  Survey”,  Chapter  4,  in  Patents,  Innovation  and  Economic  Performance  -  Proceedings  of  an OECD Conference, OECD, Paris.

6. Takahashi,  T.  (2005),  Intellectual  Assets  Strategy  and  Corporate  Accounting,  Koubundou  Publishers, Tokyo.

---------------------------------------

1Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam năm 2020 http://business.gov.vn/T%C6%B0li%E1%BB%87u/tabid/214/catid/564/sach-tr%E1%BA%AFng-v%E1%BB%81-dnnvv.aspx

2Tài liệu Hội thảo trực tuyến “Thương mại hóa tài sản trí tuệ tại Việt Nam” thuộc Dự án “Phát triển trong lĩnh vực Tài chính và Sở hữu trí tuệ (FSIP) do Quỹ Thịnh Vượng dành cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Vương quốc Anh - Việt Nam tổ chức ngày 03/3/2021.

3Tài liệu Hội thảo “Thương mại hóa tài sản trí tuệ cho SMEs” tổ chức tại Vladivostok, Russia ngày 10-12/9/2019. https://www.apec.org/Publications/2020/04/Intellectual-Property-Commercialization-for-SMEs

4https://5office.vn/7-thuong-hieu-viet-tung-ban-minh-cho-nuoc-ngoai-gio-ra-sao/

5https://ibrandvn.com/12-thuong-hieu-viet-bi-thau-tom-p2.html