Nếu bạn có hứng thú với cách một công ty vận hành - bao gồm chiến lược, cấu trúc, quản lý và hoạt động của nó - thì công việc tư vấn quản trị chắc hẳn dành cho bạn.

Tư vấn quản trị giúp doanh nghiệp phát triển và cải thiện hiệu quả hoạt động bằng cách giải quyết các vấn đề còn tồn tại và tìm ra hướng đi mới tốt hơn. Nó không chỉ được áp dụng trong khối tư nhân mà còn giúp các cơ quan, tổ chức công phát triển dịch vụ của họ cũng như làm giảm thiểu chi phí bỏ ra.

Công ty tư vấn đáp ứng nhu cầu dịch vụ của tất cả các ngành, lĩnh vực tương ứng - từ quản trị nhân sự, marketing cho đến IT, tài chính. Với phạm vi công việc rộng khắp như vậy, tư vấn trở thành một nghề có sức hút, tạo cơ hội làm việc với đa dạng dự án, tận dụng được những cơ hội và thách thức để phát triển nghề nghiệp của mình. Công việc này giúp bạn được tiếp xúc với khách hàng đến từ mọi quốc gia, kể cả khi bạn không đến từ những công ty tư vấn lớn. Những công ty tư vấn lớn tại Anh có quy mô từ vài trăm đến vài nghìn nhân viên. Tuy nhiên với sự tăng lên nhanh chóng của những đơn vị tư vấn với quy mô nhỏ từ 10 đến 100 tư vấn viên khắp cả nước đã góp phần tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho ứng viên.

Lasse Lund, quản lý tại phòng Quản trị khách hàng của Deloitte, người thắng giải “Nhà tư vấn quản trị của năm” do Hiệp hội các nhà tư vấn quản trị tổ chức năm 2013, chia sẻ thêm về nghề nghiệp của mình: “Tôi cảm thấy thích thú khi được làm việc với nhiều khách hàng đến từ các dự án khác nhau - và tôi cực kì thích bầu không khí làm việc sôi nổi, hứng khởi mà chúng tôi tạo ra tại nơi làm việc. Tôi thích cảm giác như mình được ở giữa những mảnh ghép khác biệt, và việc của tôi là nối chúng lại với nhau tạo thành thể thống nhất. Ví dụ, khi gặp một vấn đề và bạn nghĩ, ‘Việc này tôi chưa từng gặp qua, tôi cần phải tìm đúng người, đúng nhóm, đúng quy trìnhđúng phương pháp thực hiện để có thể giải quyết vấn đề này.’

“Sau khi giải quyết xong dự án, bạn sẽ tiếp tục nhận được một cái mới. Sự hào hứng về vấn đề mới, cộng thêm việc học hỏi thêm kiến thức mới từ dự án cũ sẽ giúp bạn có trang bị tốt hơn, đó có lẽ là điều mà tôi thích nhất về công việc của mình và là một trong những điểm mà tôi thích khi trở thành một nhà tư vấn.”

Không hề có lộ trình nghề nghiệp nào cho ngành tư vấn, kể cả một số công ty tư vấn lớn tích cực tuyển thẳng những sinh viên mới ra trường vào làm việc dưới hình thức thực tập sinh. Khả năng thương thảo với khách hàng, khả năng lắng nghe, lập kế hoạch chiến lược, phân tích hoạt động và khả năng xây dựng đội nhóm chính là những điểm thu hút nhà tuyển dụng, cùng với sự sáng tạo, linh hoạt và kĩ năng xã hội của ứng viên.

Đối với một vài công ty, những ứng viên với tấm bằng MBA hay MSc sẽ được cân nhắc hơn cả - nhưng đấy không phải là điều kiện tiên quyết. Đơn giản, bằng cấp có thể sẽ có ích cho công việc của một tư vấn viên, nhưng nói chung tư vấn là ngành không có bằng cấp cụ thể.

Có nhiều cách để phát triển bản thân, mở rộng kĩ năng và ghi điểm cho sơ yếu lý lịch làm việc của bạn (CV- Curriculum Vitae) Nghề tư vấn phần lớn đem lại cho chúng ta cơ hội được tiếp cận và xây dựng các kĩ năng khác phục vụ công việc. Khi công việc ngày càng mang tính quốc tế, công ty tư vấn sẽ mở rộng hoạt động sang Châu Âu và một số nước khác, và tư vấn viên sẽ có khả năng được đi du lịch kết hợp với làm việc.

Tuy nhiên , làm ngoài giờ trở thành một điều hiển nhiên. Tư vấn không phải là nghề từ 9h sáng đến 5h chiều: bạn hầu như phải dành hết thời gian của mình để làm việc. Rất nhiều dự án yêu cầu các tư vấn viên phải di chuyển và làm việc xa nhà, nên việc linh hoạt thời gian trong công việc và cuộc sống là điều quan trọng cần lưu ý. Hầu hết các công ty tư vấn đều có trụ sở chính ở London với một vài chi nhánh ở các vùng lân cận, nhưng vì công việc thường diễn ra tại trụ sở làm việc của khách hàng, vậy nên công ty dù xa hay gần đều không còn quan trọng nữa.

Việc hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ là yêu cầu quan trọng của khách hàng dành cho các tư vấn viên. Hầu hết các công việc của tư vấn viên đều phải làm việc trực tiếp với khách hàng với những áp lực cao về chất lượng dịch vụ cung cấp của mình– nếu bạn là người hay e thẹn và nhút nhát, đây chắc không phải là nghề dành cho bạn. Với cường độ làm việc cao như vậy, điều quan trọng là các tư vấn viên phải biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các công ty tư vấn thường cạnh tranh khốc liệt vì ai cũng muốn giành được những dự án lớn nhất và có được đội ngũ nhân lực tốt nhất. Để đạt được điều đó, ngày càng nhiều công ty tư vấn đã dành sự quan tâm hơn đến chất lượng đời sống của nhân viên, giúp họ đạt được các mục tiêu quan trọng của cá nhân, và trong cộng đồng.

Phương Linh
Nguồn: https://www.theguardian.com/careers/what-does-management-consultant-do
Ảnh: Internet