Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN vừa được công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục thu hẹp dần đối tượng doanh nghiệp (DN) được vay ngoại tệ.

Hiện nay, đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ là các DN có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị và dịch vụ cho nước ngoài phục vụ hoạt động kinh doanh. Hoạt động cho vay này sẽ chấm dứt kể từ cuối năm nay (31/12/2018), tức chỉ còn hơn một tháng nữa.

Tuy nhiên, theo nội dung tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN vừa công bố, việc cho vay này được chi tiết hóa theo thời gian vay vốn và mục đích sử dụng vốn. Trong đó có đối tượng chỉ được gia hạn thời gian vay ngoại tệ thêm 3-9 tháng, nhưng có đối tượng lại không bị giới hạn về thời gian.

Cụ thể, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước chỉ được thực hiện đến hết 31/03/2019. Cùng với mục đích trên nhưng nếu cho vay trung, dài hạn sẽ được thực hiện đến hết 30/09/2019.

Riêng đối với việc cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu được thực hiện không bị giới hạn về thời gian. Song để được lọt vào danh sách những công ty đủ điều kiện được vay ngoại tệ thì khách hàng vay phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Đại diện NHNN Việt Nam lý giải: Quy định như trên nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. “Vì vậy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, nhất là trong bối cảnh tỉ giá và thị trường ngoại tệ được NHNN điều hành tương đối ổn định” - đại diện NHNN cho hay.

Bên cạnh đó, đại diện NHNN cũng lý giải việc dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian vay ngoại tệ đối với công ty xuất khẩu nhằm tiếp tục hỗ trợ nhà kinh doanh và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn. Từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, nhất là xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Theo Thùy Linh (plo.vn)