Ngày 24/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động. Theo đó, nhiều nội dung quy định về hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Các nội dung trong HĐLĐ về chế độ nâng bậc, nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trang bị bảo hộ; BHXH, BHTN, BHYT có thể theo nội dung thoải thuận của 2 bên như hiện nay hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và theo quy định của pháp luật.
- Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hàng năm là tiền lương trên hợp đồng tại thời điểm tính không phải dựa vào lương trên hợp đồng của tháng trước liền kề như trước đây.
- Thời gian thử việc, học nghề, tập nghề không được tính vào thời gian làm việc thực tế để tính hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
- Bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
- Đặc biệt, người sử dụng lao động cần lưu tâm đến quy định về trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định mới như sau:
+ Khi phát hiện NLĐ có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm vi phạm xảy ra thì NSDLĐ phải tiến hành lập biên bản vi phạm, thông báo để tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
+ Nếu phát hiện NLĐ có hành vi vi phạm sau thời điểm vi phạm đã xảy ra thì NSDLĐ gửi thông báo đến các thành phần tham dự họp. Trong thời hạn 03 ngày những người được thông báo dự họp phải xác nhận. Trường hợp họ không xác nhận hoặc xác nhận nhưng không đến thì cuộc họp vẫn được diễn ra mà không phải chờ sau lần thông báo thứ 3 như quy định hiện nay.
- Người giao kết HĐLĐ bên phía người sử dụng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động. Hiện nay, người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách.
Lê Thắng