Chiến thắng 1-0 của U23 Việt Nam trước U23 Nhật Bản là một niềm vui lớn đối với nền thể thao của dân tộc; nhưng bên cạnh đó cũng có những mảng tối bên cạnh sự kiện này.
Chiều ngày 19/08/2018, tại một quảng trường ngay giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, một màn hình lớn đã phát sóng miễn phí trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Nhật Bản. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng chú ý khi màn hình phát sóng một kênh truyền hình đại chúng miễn phí toàn dân ở Việt Nam với bản quyền đầy đủ, nhưng trên màn hình này lại phát sóng một kênh phát sóng “lậu” là xoilac.tv.
Trang website xoilac.tv này được đăng ký hosting tại Mỹ, địa chỉ đăng ký 14455 N. Hayden Road, Arizona, Hòa Kỳ. Bởi vậy, nó không chịu sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam và cũng rất khó có thể truy được chủ nhân thật sự của website này. Tất nhiên, mọi thông tin đăng ký tên miền có thể không thật sự chính xác... Đối với tên miền ".tv", đây là tên miền đại diện cho một quốc đảo nhỏ có tên Tuvalu nằm trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vì trùng với từ viết tắt của “television” nên .tv thường được dùng nhiều trong lĩnh vực giải trí đa phương tiện.
Đây là một việc làm vi phạm bản quyền của Ban quản trị trang web xoilac.tv. Dù đã có những cảnh báo nhưng BQT xoilac.tv vẫn tiếp tục thực hiện việc truyền dẫn trực tiếp các trận đấu của Olympic Việt Nam, các đội bóng Olympic khác và cả những môn thể thao như điền kinh, bơi lội, bắn súng… của đoàn Thể thao Việt Nam.
Hành động phát “lậu” của xoilac.tv không chỉ vi phạm bản quyền, có thể bị khởi kiện theo luật Sở hữu trí tuệ mà còn gây ảnh hưởng đến việc đàm phán mua bản quyền các giải bóng đá lớn trong tương lai của Việt Nam.
Nếu trang xoilac.tv bị đơn vị giữ bản quyền khởi kiện thì họ có quyền yêu cầu bồi thường khi chứng minh được thiệt hại xảy ra, thậm chí là chủ trang xoilac.tv có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, theo khoản 1, Điều 3 luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm điện ảnh, các chương trình truyền hình, phim nói chung và chương trình phát sóng ASIAD 18 nói riêng đều là đối tượng bảo hộ về bản quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
Việc xâm phạm quyền tác giả còn có thể bị xử lý hình sự theo điều 131 tội xâm phạm quyền tác giả với mức phạt cao nhất là 5 năm tù. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm quyền tác giả gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần, có tổ chức, chuyên nghiệp.
Đó là về những hậu quả mà xoilac.tv có thể phải chịu nhưng một vấn đề không nhỏ nữa là ý thức của người dân Việt Nam về việc tôn trọng bản quyền truyền hình.
Nếu như chỉ coi lậu tại gia với máy tính cá nhân thì đây là một chuyện không lớn nhưng việc phát sóng trên màn hình lớn giữa công chúng ngay trung tâm thành phố lớn nhất nước lại là một vấn đề nghiêm trọng về ý thức tôn trọng bản quyền. Chưa nói tới những vấn đề pháp lý có thể xảy ra, nhưng ý thức con người ở đây thực sự đáng báo động. Một chính sách, cơ chế dù tốt đến đâu cũng cần phụ thuộc vào ý thức tự giác của con người. Qua hành động “xem trộm công khai”, “coi lậu có tổ chức này”, các đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình các giải thể thao lớn sẽ coi Việt Nam là một “điểm đen” về bản quyền truyền hình và sẽ gây khó dễ cho Việt Nam trong việc mua bản quyền phát sóng các giải thể thao trong tương lai.
Bên cạnh việc xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp về Sở hữu trí tuệ, việc giáo dục ý thức người dân tôn trọng bản quyền là một công việc cấp thiết của Việt Nam hiện nay để tiến tới một xã hội văn minh và có ý thức tự giác.
Vũ Việt Hoàng thực hiện