Luật Đầu tư công 2014: Tiền đề thuận lợi
Tại Việt Nam, đầu tư từ khu vực công hàng năm chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhưng “bên cạnh mặt tích cực là sự đóng góp của các dự án đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Trong khi cho rằng năng suất lao động và vốn là những động lực chính tạo tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai, nhưng ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã nêu rõ nguyên nhân khiến đầu tư công chưa hiệu quả, thiếu bền vững là do Việt Nam thiếu một cơ chế giám sát và đánh giá đầu tư công hữu hiệu. Một số liệu minh chứng là chỉ tính riêng năm 2013, số dự án đầu tư công có Báo cáo giám sát mới đạt 23.890/35.379, tương đương tỷ lệ 66,75%. Tỷ lệ này tuy đạt cao hơn các năm trước nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra, nguyên nhân do năng lực của các cơ quan quản lý và các ban quản lý dự án còn hạn chế.
Đại diện của Bộ KH&ĐT cho biết, với gần 40.000 dự án đầu tư công mà hiện nay Việt Nam đã và đang thực hiện, trong đó phần lớn là các dự án lớn, phức tạp, thuộc Dự án nhóm A và nhóm B thì cần được nỗ lực giám sát, đánh giá toàn bộ; còn lại xấp xỉ 3.000 dự án nhóm C tuy không cần đánh giá toàn bộ nhưng có thể chọn mẫu để theo dõi, giám sát, đánh giá.
Một điều kiện tiền đề thuận lợi là Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), nhằm tạo khung khổ pháp lý cho cơ quan Nhà nước các cấp trong phối hợp, quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Luật Đầu tư công cũng xác định rõ vai trò, chức năng và nhiệm vụ của các chủ thể khác nhau trong chu trình đầu tư công; quy định công tác theo dõi, giám sát và đánh giá với sự tham gia của cộng đồng, bao gồm Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, sẽ được thực hiện ở tất cả các hoạt động đầu tư công cấp quốc gia, cấp Bộ, ngành và địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế
Đón đầu Luật Đầu tư công đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đang tích cực tham vấn các ý kiến đóng góp, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có thể thiết lập được một hệ thống giám sát và đánh giá đầu tư công vận hành hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nadia Krivetz - Quyền Công sứ và Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam cần đưa ra kế hoạch cụ thể để hành động bởi Luật Đầu tư công đã tạo ra một khung khổ pháp lý hữu ích, đưa ra một cơ chế giám sát và đánh giá tổng thể để đánh giá được trước và sau khi đầu tư”.
Để có được một hệ thống giám sát, đánh giá đầu tư công hoạt động hiệu quả, đại diện của Bộ KH&ĐT đề xuất trước hết cần xây dựng định hướng chiến lược và kế hoạch hành động cho giai đoạn 2015-2020. Trong đó cần tập trung thực hiện các chức năng theo dõi, giám sát và đánh giá đầu tư công trên phạm vi toàn quốc; phát triển các công cụ theo dõi, giám sát và đánh giá ở 3 cấp độ: chủ dự án, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý Nhà nước; tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho việc thực hiện các chức năng theo dõi, giám sát và đánh giá; sử dụng có hệ thống bằng chứng nhận đối với các quyết định đầu tư công và đánh giá tiến độ thực hiện đầu tư công...
Chia sẻ kinh nghiệm giám sát, đánh giá đầu tư công ở Australia, ông John Farghen - Chuyên gia Tư vấn quốc tế về đầu tư công cho biết: Ở Australia có 2 nhóm theo dõi và đánh giá đầu tư công là Ủy ban Năng suất và Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Australia. Trong đó, Ủy ban Năng suất chịu trách nhiệm đánh giá trước dự án đầu tư công và báo cáo trực tiếp lên Quốc hội. Còn Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Australia có nhiệm vụ kiểm toán xác nhận tính tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư công, kiểm toán đánh giá tính hiệu quả của đầu tư công tại các Bộ, ngành, dự án và báo cáo Quốc hội.
Còn đại diện của Tổ chức JICA (Nhật Bản) nhấn mạnh giải pháp: các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có trách nhiệm báo cáo, các cơ quan chức năng cần thẩm định dự án trước khi phê duyệt hoặc điều chỉnh, đồng thời việc giám sát phải được thực hiện ngay từ khi dự án chưa triển khai. Điều quan trọng hơn là phải thiết lập cơ chế dòng tiền, dòng ngân sách cho hợp lý, gắn liền với công tác giám sát, đánh giá được đầu ra của dự án.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Định hướng chiến lược về giám sát và đánh giá đầu tư công thời kỳ 2015-2020 sau khi được thông qua sẽ giúp Việt Nam xác định được một tầm nhìn dài hạn với lộ trình và những bước đi cụ thể để giám sát, đánh giá đầu tư công tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội./.
Theo Báo Kiểm toán số 41/2014