Đây là câu hỏi đã được tranh luận rất nhiều kể từ khi mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ của họ được Bộ Giao thông vận tải cho phép thí điểm áp dụng tại Việt Nam nhằm tìm kiếm khung pháp lý phù hợp cũng như cơ chế để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa “taxi công nghệ” và taxi truyền thống.
Trước mắt câu hỏi này đã được Bộ Giao thông vận tải trả lời tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, Khoản 1 Điều 3 dự thảo này nêu rõ: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.
Đại diện Ban soạn thảo cho biết với định nghĩa trên thì các đơn vị như Uber, Grab nếu sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thực hiện điều hành các phương tiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải thì phải là đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp các đơn vị phần mềm này bán hoặc cung cấp dịch vụ ứng dụng phần mềm cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, điều hành phương tiện của mình để đón trả khách, quyết định giá cước thì khi đó các đơn vị phần mềm là các đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ.
Dự thảo hiện đã được trình lên Chính phủ và dự kiến sẽ ban hành trong tháng 8 năm nay./
Lê Thắng