Bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp sáng tạo nói chung ở Việt Nam những năm qua như một bức tranh màu tối. Tình trạng vi phạm tràn lan, phổ biến và đặc biệt là thái độ dửng dưng, xem vi phạm là bình thường của hầu hết đại bộ phận công luận. Sự kiện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam với giá trị định giá thương hiệu bằng 0 hồi năm 2017 là một nỗi đau của không ít các diễn viên, nghệ sĩ và cả người yêu điện ảnh Việt.
Khi mà Internet chưa bùng nổ tại Việt Nam, ngành công nghiệp giải trí phải đối mặt với những thách thức lớn như sao in đĩa lậu, làm các tác phẩm phái sinh, cắt, ghép, trích đoạn và bán các loại hình thức nhạc chuông, nhạc chờ… hay tải lên mạng để bán quảng cáo.
Năm 2010, Trung tâm Thúy Nga - đơn vị nổi tiếng với các ấn phẩm giải trí Paris by Night, đã phải lên tiếng sắp đóng cửa vì nạn DVD lậu. Các hình thức vi phạm bản quyền lại càng phổ biến hơn khi người ta dễ dàng sử dụng các tính năng của các mạng xã hội để thực hiện các hành vi sao chép, khai thác tác phẩm, phân phối hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng một cách “vô tư” bất chấp lời cảnh báo của chủ sở hữu. Hành vi livestream là một điển hình. Rất nhiều bộ phim điện ảnh khác của Việt Nam được tải trái phép lên mạng như “Cánh đồng bất tận”, “Để mai tính”, “Chàng trai năm ấy”… Trong năm 2017, phim “Kong: Skull Island”, chỉ một ngày sau khi công chiếu tại Việt Nam, phim đã bị quay trộm và tung lên mạng khiến đại diện Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ đã phải sang Việt Nam làm việc với các cơ quan chức năng.
Các website phim lậu ở Việt Nam vẫn có lượt truy cập cực lớn cũng như thu lợi từ hoạt động quảng cáo nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng nào xử lý. Theo một số nguồn tin, Phimmoi.net, trang xem phim lậu có lượng truy cập cao nhất Việt Nam thu phí một ô quảng cáo lên đến 25 triệu/tuần, một đoạn TVC trước khi chiếu phim cũng ở mức gần 20.000 đồng/1.000 lượt xem. Nhưng ít người biết rằng để duy trì một trang phim lậu với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng, chủ nhân của nó không phải bỏ ra một đồng nào. Thông thường, các web lậu đang sử dụng server của chính Google và Facebook để lưu trữ và chiếu những bộ phim không có bản quyền với chi phi chỉ là 0 đồng.
Có thể thấy, với hàng trăm website công chiếu phim lậu, với Facebook, với Youtube… nền điện ảnh Việt Nam với thị trường nhỏ hẹp lại càng trở nên “điêu đứng” hơn. Biết bao sẻ chia, biết bao góp ý, nhưng dường như suốt gần chục năm qua kể từ khi Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 có hiệu lực, vấn nạn này vẫn chưa bao giờ được giải quyết một cách thỏa đáng.
Nếu như ngành công nghiệp sáng tạo ở các quốc gia tôn trọng bản quyền đã phát triển rực rỡ và đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế thông qua mua bán bản quyền, như Hàn Quốc, Mỹ... thì ở Việt Nam, ngành công nghiệp sáng tạo chưa được định nghĩa, chưa được khoanh vùng, và chưa phát triển trên nền tảng bất di bất dịch của nó là “quyền sở hữu trí tuệ”.
Các nhà đầu tư, kinh doanh sản phẩm trí tuệ, đặc biệt là các hãng phim, không thể tồn tại lâu dài vì để đầu tư cho ra mắt một bộ phim, phải hội tụ công sức của hàng trăm người, hàng năm trời, nhưng rồi giá trị thương mại lại vô cùng ngắn ngủi, chỉ vài tháng, vài năm. Và sự ra đi của Hãng phim truyện Việt Nam cũng là một kết quả tất yếu cho sự đi xuống của nền điện ảnh nước nhà vì vấn đề quyền sở hữu trí tuệ không được chú trọng.
Vũ Việt Hoàng