Sở Nội vụ TP Đà Nẵng mới đây đã xây dựng “Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ” và dự kiến sẽ đệ trình lấy ý kiến tại kỳ họp HĐND vào ngày 09/07/2018 tới đây của thành phố.
Nội dung chính của Dự thảo quy định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý thôi việc tự nguyện. Chính sách này áp dụng cho các chức vụ lãnh đạo, quản lý (cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp tương đương). Để hưởng ưu đãi khi tự nguyện thôi việc, các nhân sự trên phải có tuổi đời trên 55 tuổi đối với nam hoặc trên 50 tuổi đối với nữ (không thuộc đối tượng được giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế; chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; được hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động) đảm bảo một trong hai điều kiện sau:
- Đang giữ chức vụ mà cán bộ trẻ được quy hoạch và dự kiến bổ nhiệm, có nguyện vọng thôi việc, được cơ quan quản lý và cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý cho phép thôi việc.
- Có nguyện vọng thôi việc, được cơ quan quản lý và cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý cho phép thôi việc và dự kiến được nhân sự thay thế để thực hiện công tác sắp xếp, bố trí cán bộ.
Nội dung của chính sách hỗ trợ, khuyến khích bao gồm:
- Hỗ trợ theo thời gian công tác: ngoài chế độ trợ cấp thôi việc được hưởng 01 lần theo quy định thì được hỗ trợ cứ mỗi tháng làm việc còn lại tính đến thời điểm nghỉ hưu được tính bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng.
- Hỗ trợ theo chức danh đang giữ: tùy thuộc vào chức danh và hệ số phụ cấp, cán bộ tự nguyện thôi việc được hưởng trợ cấp bằng tiền mặt từ 100 đến 200 triệu đồng. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
Nguồn kinh phí cho chính sách hỗ trợ, khuyến khích được trích từ:
- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.
- Các nguồn thu hợp pháp của đơn vị đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.
Có thể thấy, Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra cơ chế động viên bằng vật chất để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý sắp về hưu thôi việc trước thời hạn, tạo điều kiện tổ chức lại đội ngũ lãnh đạo mới, có sức trẻ và giàu năng lực hơn. Đây là cơ chế chưa từng có tiền lệ trong công tác tổ chức cán bộ, ngay khi được công bố, Dự thảo đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều.
Một số ý kiến ủng hộ cho rằng chính sách này mang tính đột phá, thúc đẩy nhanh quá trình thanh lọc, tinh giản bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương. Một số khác hoài nghi về tính hợp pháp của việc sử dụng ngân sách chung của Nhà nước để thực hiện chính sách cá biệt của TP. Đà Nẵng thay vì tự cân đối khoản chi bằng ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, tính hiệu quả của Nghị quyết chưa có đủ căn cứ chứng minh. Trong quá trình thực hiện, có rất nhiều yếu tố thực tiễn tác động, nếu không có cơ chế, tiêu chí kiểm soát chặt chẽ, chính sách sẽ khó phát huy tác dụng. Điển hình là trong trường hợp nếu tiếp tục nắm giữ chức vụ giúp nhân sự có thể thu lại lợi ích lớn hơn khi được khuyến khích thôi việc hay trường hợp cán bộ tuy có đủ năng lực nhưng không muốn tiếp tục cống hiến lợi dụng chính sách để thu lợi.
Việc tự nguyện thôi việc của các cán bộ đã hình thành nên “Văn hóa từ chức” -một văn hoá chính trị, văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ. Vậy nên, dùng lợi ích vật chất để khuyến khích lãnh đạo tự nguyện thôi việc như quy định của Dự thảo Nghị quyết trên xem ra còn nhiều điểm cần suy xét, bàn luận.
Lê Thắng