Thế nào là nghiên cứu khả thi? Giống như tên gọi của nó, nghiên cứu khả thi được sử dụng nhằm mục đích xác định khả năng thành công của một ý tưởng - chứng minh rằng đó là một dự án hợp pháp, khả thi về mặt kỹ thuật cũng như đảm bảo sự hợp pháp về tài chính. Nó cũng cho chúng ta thấy liệu dự án đó có đáng để đầu tư hay không. Một dự án được đánh giá không khả thi vì các yếu tố khác nhau, trong đó có thể do nó đòi hỏi quá nhiều nguồn lực. Việc sử dụng nhiều nguồn lực cho một dự án khi mà tính khả thi của nó còn chưa rõ ràng có thể phát sinh những khoản chi phí cơ hội lớn, hoặc chi phí bỏ ra để thực hiện dự án nhiều hơn lợi nhuận thu về.

Một nghiên cứu khả thi được thiết kế phù hợp nên dựa vào tình hình trong quá khứ của doanh nghiệp hoặc chính dự án đó, ví dụ như mô tả sản phẩm hay dịch vụ, báo cáo tài chính, chi tiết về hoạt động và quản lý, chính sách và nghiên cứu thị trường, dữ liệu tài chính, sự chấp hành luật pháp cũng như nghĩa vụ thuế. Nói chung, việc nghiên cứu như vậy được xác định trước khi xây dựng kỹ thuật và triển khai dự án.

Năm hợp phần của một nghiên cứu khả thi dự án

Một nghiên cứu khả thi đánh giá khả năng thành công của một dự án; chính vì thế, tính khách quan là một nhân tố quan trọng để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư tiềm năng và tổ chức tài chính cho vay. Có 5 loại hình nghiên cứu khả thi – chia theo từng lĩnh vực nghiên cứu, được mô tả dưới đây:

1. Tính khả thi về mặt kỹ thuật: sự đánh giá này tập trung vào các nguồn lực sẵn có về mặt kỹ thuật trong tổ chức. Nó giúp tổ chức xác định được liệu rằng các nguồn lực kỹ thuật ấy có phù hợp với công suất hay không và liệu đội ngũ kỹ thuật viên có khả năng áp dụng những ý tưởng mới vào trong hệ thống. Tính khả thi về mặt kỹ thuật cũng liên quan đến sự đánh giá về phần cứng, phần mềm cũng như các nhu cầu về kĩ thuật khác. Nói theo một cách phóng đại thì doanh nghiệp sẽ không lắp một hệ thống vận chuyển đồ sộ giống như trong phim Star Trek vào nhà máy của mình, vì khi đó dự án này sẽ không khả thi về mặt kỹ thuật.

2. Tính khả thi về mặt kinh tế: việc đánh giá này cơ bản liên quan đến sự phân tích chi phí/lợi ích mà dự án mang lại, giúp cho doanh nghiệp xác định được tính khả thi, chi phí và lợi ích liên quan đến dự án trước khi các nguồn lực tài chính được “bơm vào”. Nó cũng được coi như là một bản thẩm định dự án độc lập và củng cố sự đáng tin cậy cho dự án - giúp lãnh đạo doanh nghiệp xác định được lợi ích kinh tế tích cực mà dự án sẽ mang lại trong tương lai.

3. Tính khả thi về pháp luật: việc thẩm định này nghiên cứu liệu có phần nào thuộc dự án đang mâu thuẫn với những quy định về pháp luật hay không, đơn cử như luật quy hoạch, đạo luật bảo vệ dữ liệu hay luật truyền thông mạng xã hội. Ví dụ một doanh nghiệp muốn xây dựng trụ sở mới tại một địa điểm đã định sẵn. Nếu khu vực đó không được quy hoạch để xây dựng những loại hình công trình mà doanh nghiệp định thực hiện, nghiên cứu khả thi sẽ phải chỉ ra điều đó cho ban lãnh đạo. Điều này giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được khá nhiều thời gian và công sức khi biết trước ngay từ đầu rằng dự án đó sẽ không khả thi.

4. Tính khả thi về hoạt động: để đánh giá được tính khả thi về mặt hoạt động thì nghiên cứu khả thi cần phân tích và xác định xem liệu rằng các nhu cầu của doanh nghiệp có được đáp ứng sau khi hoàn thành dự án hay không. Nghiên cứu khả thi về mặt hoạt động cũng phân tích cách mà dự án đáp ứng những vấn đề đã được xác định trong giai đoạn phân tích nhu cầu cho sự phát triển hệ thống.

5. Tính khả thi về thời gian biểu: đây là phần đánh giá quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng thành công của dự án; sau tất cả, một dự án sẽ thất bại nếu không đáp ứng được về mặt thời gian thực hiện. Trong đánh giá khả thi về thời gian biểu, doanh nghiệp sẽ ước tính khoảng thời gian mà dự án dự kiến hoàn thành.

Khi tất cả 5 phần trên đều được đánh giá và thẩm định, nghiên cứu khả thi giúp xác định những trở ngại mà dự án có thể gặp phải, bao gồm:

Trở ngại bên trong dự án: kĩ thuật, công nghệ, ngân sách, nguồn lực…

Trở ngại bên trong doanh nghiệp: tình hình tài chính, khâu tiếp thị, xuất khẩu…

Trở ngại bên ngoài: vận chuyển, môi trường, luật và các quy định…

Lợi ích của việc thực hiện nghiên cứu khả thi

Sự quan trọng của việc nghiên cứu khả thi dựa trên mong muốn của doanh nghiệp “làm cho đúng” trước khi phân bổ nguồn lực, thời gian và tiền bạc cho dự án. Nghiên cứu khả thi có thể phát hiện ra một vài ý tưởng mới làm thay đổi hoàn toàn cục diện của dự án. Tốt nhất là nên tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án trước khi bắt tay vào thực hiện, hơn là trực tiếp thực hiện và rồi nhận ra nó không hề hiệu quả. Thực hiện nghiên cứu khả thi luôn luôn có ích khi nó cho bạn và các cổ đông thấy một bức tranh toàn cảnh về khả năng trong tương lai của dự án đề xuất.

Dưới đây là một số lợi ích khi thực hiện nghiên cứu khả thi:

Cải thiện sự tập trung của đội thực hiện dự án

Xác định các cơ hội mới

Cung cấp những thông tin giá trị cho quyết định vận hành hay không

Giúp doanh nghiệp thu hẹp các giải pháp thay thế

Xác định các lí do hợp lý để thực hiện dự án

Củng cố tỷ lệ thành công bằng cách đánh giá trên nhiều tham số khác nhau

Giúp đưa ra quyết định cho dự án một các đúng đắn

Xác định các lý do để không thực hiện tiếp dự án

Bên cạnh các cách tiếp cận với nghiên cứu khả thi đã được nêu ở trên, một số dự án còn yêu cầu phân tích các trở ngại:  

Trở ngại bên trong dự án: kĩ thuật, công nghệ, ngân sách, nguồn lực…

Trở ngại bên trong doanh nghiệp: tình hình tài chính, khâu tiếp thị, xuất khẩu…

Trở ngại bên ngoài: vận chuyển, môi trường, luật và các quy định…

Phương Linh dịch
Nguồn: https://www.simplilearn.com/feasibility-study-article