Ngày 08/03/1949 chính quyền Quốc Gia Việt Nam đã gia nhập 2 điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu là công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền SHCN và Thỏa ước Madrid 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu.

Sau năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã kế thừa 2 điều ước quốc tế trước đó mà chính quyền Quốc gia Việt Nam đã gia nhập trước đó. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã có 1 số cơ sở pháp lý về bảo hộ Sở hữu Công nghiệp. Một số đối tượng về SHCN trong đó có nhãn hiệu được bảo hộ tại luật số 13/57 ngày 1/8/1957 và luật số 14/59 ngày 11/09/1959 về chống sản xuất hàng giả. Tuy vậy, do các bất ổn chính trị và chiến tranh loạn lạc nên những điều luật này không được thực thi đầy đủ.

Sau năm 1975, chiến tranh Việt Nam kết thúc, 2 miền Việt Nam thống nhất. Chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kế thừa các điều ước quốc tế mà chế độ cũ đã tham gia.

Nước Việt Nam thống nhất tham gia WIPO ngày 02 tháng 6 năm 1976 khi phê chuẩn Công ước thành lập WIPO. Trong các Điều ước quốc tế về SHTT do WIPO quản lý, đến nay Việt Nam đã tham gia:

- Hiệp định hợp tác bằng sáng chế;
- Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp: Công ước này áp dụng cho sở hữu công nghiệp theo nghĩa bao gồm sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, mẫu hữu ích, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ) và chống cạnh tranh không lành mạnh;
- Thoả ước và Nghị định thư Madrit về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá.
- Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS);
- Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật;
- Công ước Geneva về bảo hộ người ghi âm, chống sao chép trái phép bản ghi âm;
- Công ước Brusels về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh;
- Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng;
- Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới.

Là thành viên của WIPO, hàng năm Việt Nam đều cử đại biểu tham dự các cuộc họp quan trọng và các hội thảo, hội nghị do WIPO tổ chức. WIPO đã cung cấp trang thiết bị và tài liệu cho Cục SHTT trong khuôn khổ dự án PCT-ROAD phục vụ nhu cầu chuyển đơn đăng ký quốc tế theo PCT qua mạng Internet cho văn phòng Quốc tế của WIPO.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam đăng ký quốc tế nhãn hiệu ra nước ngoài cũng như người nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn việc tham gia Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa.

Tổng Giám đốc WIPO làm việc tại Việt Nam

Ngoài ra, Việt nam đã duy trì quan hệ hợp tác với các nước như Mỹ, Nhật, Thụy Sỹ, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc vv...

Quan hệ hợp tác Việt Nam với WIPO và các đối tác đã giúp Việt Nam bước đầu đáp ứng yêu cầu về SHCN trong hội nhập kinh tế, giúp Việt nam khẳng định vị thế của mình trong các diễn đàn hợp tác đa phương và các mối quan hệ song phương.
 

Vũ Việt Hoàng