Mới đây Bộ Tài chính đã công bố thông tin về Dự án Luật thuế tài sản nhắm đến đối tượng là các tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất, nhà ở, ô tô, tàu bay, tàu thủy; sắc thuế này nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến từ người dân và doanh nghiệp, trong đó đa phần là phản đối, vì sao vậy?
Về mặt số liệu, theo thống kê của Quỹ tiền tệ IMF thì mức huy động ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam tính đến tháng 10 năm 2017 đã là 23,9% GDP, cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan 22,4%; Malaysia 20,4% ..., chưa kể đến tâm lý ghét thuế má nói chung của xã hội thì phản ứng phản đối từ phái người dân, doanh nghiệp là dễ hiểu. Đáng nói hơn, trong Tờ trình dài 21 trang gửi đến Chính phủ, dường như Bộ Tài chính mới chỉ tập trung giải thích về tính cần thiết của việc tăng thu ngân sách, tăng thu được bao nhiêu, thu như thế nào và việc tăng thu này phù hợp với thông lệ quốc tế mà quên mất việc lý giải cặn kẽ bản chất của sắc thuế và tác động, tính điều chỉnh của nó.
Mục tiêu của việc đánh thuế tài sản không chỉ là vấn đề ngân sách mà còn để điều tiết việc sử dụng những nguồn tài sản xã hội, tránh đầu cơ, lãng phí, tránh tình trạng những tài sản hữu hạn vào tay một vài người nào quá nhiều hạn chế cơ hội tiếp cận của những người có nhu cầu thực sự. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, có ý kiến đề nghị chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không chọn phương án này. Rất nhiều chuyên gia, luật sư đã phản đối sự lựa chọn này của Bộ Tài chính. Ngay Thủ tướng Chính phủ cũng nêu ý kiến rằng: Thuế tài sản phải hướng vào người giàu, có hai nhà trở lên.
Phần giá tính thuế cũng là một nội dung gây nhiều tranh cãi. Đối với phần giá nhà tính thuế, trong 2 phương án: 1 tỷ đồng và 700 triệu đồng, Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án 700 triệu đồng. Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô, Bộ Tài chính đề xuất 1 phương án là 1,5 tỷ đồng. Với mức giá tính thuế này, thuế tài sản sẽ đánh vào tầng lớp có thu nhập trung bình nhiều hơn là tầng lớp giàu và siêu giàu.
Kết lại vấn đề, việc ban hành luật thuế tài sản có thật sự cần thiết hay không, và nếu được ban hành và áp dụng, nó có đạt được đúng các mục tiêu điều tiết của nó hay không, còn cần sự tính toán nhiều hơn nữa của các chuyên gia và những người có thẩm quyền và có thể, cần cả một sự thí điểm nữa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn mà ai cũng thấy ngay được, đó là việc thu thêm sắc thuế mới này sẽ làm tăng ngân sách nhà nước lên đáng kể.
Lê Thắng