Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang được quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong năm 2017 và đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Kết quả tổng kết được công bố cho thấy một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP còn vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo 1 Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thay thế, khắc phục các nhược điểm của Nghị định cũ.

Dự thảo 1 của Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có một số điểm mới đáng chú ý sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý đã thu gọn lại ở phạm vi doanh nghiệp nhỏ và vừa, không còn là mọi doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động như quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

Thứ hai, Dự thảo Nghị định đã quy định về việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu cơ sở dữ liệu pháp lý thực tế ngoài các văn bản quy phạm pháp luật. Dữ liệu thực tế trên bao gồm: dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý; dữ liệu về bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp; dữ liệu về văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa; dữ liệu về văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật.

Thứ ba, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định nội dung cụ thể, chi tiết hơn so với quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Cụ thế chương trình trên phải bao gồm các nội dung: Hoạt động cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp; Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật; Hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp và có thời hạn thực hiện tối đa là 5 năm.

Thứ tư, Dự thảo đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát nhẳm đảm bảo hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai có trọng điểm, trọng tâm, thực chất. Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra được giao cho: Cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Nội dung kiểm tra bao gồm: Chất lượng, đối tượng thụ hưởng của hoạt động hỗ trợ pháp lý; Việc thực hiện trình tự, thủ tục và nội dung hỗ trợ pháp lý và tiếp thu, phản hồi ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về kết quả thực hiện; Việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với những thay đổi căn bản như trên, Dự thảo Nghị định hứa hẹn sẽ  đưa các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vào cuộc sống; đáp ứng trúng và đúng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; tránh trùng lặp, lãng phí hay hình thức.

Lê Thắng