Ngày 29/3/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước (QLNN) về SHTT trên toàn quốc năm 2023, đồng thời bàn thảo những định hướng lớn cho hoạt động SHTT trong năm 2024, phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có: Đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN. Về phía Thành phố Hà Nội có: Đồng chí Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố. Dự Hội nghị còn có đại diện của một số Bộ, ngành Trung ương, các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN, Lãnh đạo Cục SHTT và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục SHTT, các cơ quan của Thành phố Hà Nội, đại diện một số trường đại học, viên nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức đại diện SHCN, tổ chức quốc tế có trụ sở tại Hà Nội và khoảng 250 đại biểu đến từ các Sở KH&CN trên cả nước. Đồng chí Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục SHTT và đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.

Đ/c Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu khai mạc Hội nghị Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Hội nghị QLNN về SHTT đã trở thành một diễn đàn thường niên quan trọng của ngành KH&CN, nơi Bộ KH&CN, trực tiếp là Cục SHTT báo cáo về hoạt động SHTT trên toàn quốc, đồng thời cũng là nơi để các cơ quan QLNN ở trung ương và ở địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trao đổi, thảo luận về các vấn đề SHTT. Bộ trưởng ghi nhận các kết quả của hoạt động SHTT năm 2023, nổi bật là công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật. Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 03 Nghị định và 02 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT năm 2022. Các hoạt động hỗ trợ xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương được đẩy mạnh; số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) được xử lý tăng 13,2% so với năm 2022, chỉ số GII của Việt Nam xếp hạng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Tuy vậy, Bộ trưởng cũng gợi ý một số vấn đề cần được trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động QLNN về SHTT như vấn đề xử lý đơn xác lập quyền SHCN, công tác thực thi quyền, hiệu quả của hoạt động quản lý tài sản trí tuệ sau bảo hộ, v.v..

 

Đ/c Lê Hồng Sơn - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội phát biểu chào mừng Hội nghị

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong những năm qua, Thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường KH&CN; tập trung phát triển KH&CN theo cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, số lượng đăng ký SHCN của Thành phố đã tăng đáng kể, góp phần nâng cao giá trị tinh thần, vật chất cho xã hội, cũng như góp phần đưa Hà Nội thành địa phương đứng đầu kết quả xếp hạng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực mong muốn trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ KH&CN và các Bộ, ngành, nhất là khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho Thủ đô bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.

Đ/c Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục SHTT và đ/c Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị

Báo cáo hoạt động QLNN về SHTT, Phó Cục trưởng Cục SHTT Nguyễn Văn Bảy cho biết, năm 2023, các Cơ quan QLNN về SHTT ở cả Trung ương và địa phương đã thực hiện một khối lượng công việc lớn và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022 đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ để triển khai trong thực tiễn, đặc biệt là các nội dung trọng tâm với sự thay đổi về chính sách trong việc thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý; quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, v.v.. Năm 2023, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHCN tăng khá cao (8,5%), trong đó đơn sáng chế tăng 10,6%, đơn kiểu dáng công nghiệp tăng 11,8%; kết quả xử lý đơn xác lập quyền SHCN tăng trên 13% so với năm 2022. Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT được duy trì và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, v.v.. Đồng chí Phó Cục trưởng cũng cho biết, số lượng đơn được xử lý có cải thiện song tình trạng tồn đơn đăng ký SHCN còn nhiều, do vậy, một trong các phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024 là triển khai Kế hoạch xử lý đơn SHCN nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2027 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Hội nghị cũng đã nghe các báo cáo về: Tình hình hoạt động SHTT trên thế giới - những xu hướng lớn; Tình hình phát triển tài sản trí tuệ tại Việt Nam - một số vấn đề cần lưu ý; SHTT với công tác bảo hộ, quản lý và phát triển sản phẩm OCOP; Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài; Quy định pháp luật, thực trạng và những vướng mắc trong hoạt động hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho các doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực địa phương. Tiếp đó, Hội nghị đã  nghe đại diện Thanh tra Bộ KH&CN, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Văn phòng OCOP Trung ương, các Sở KH&CN Thành phố Hà Nội, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Thành phố Đà Nẵng và Công ty Concetti báo cáo, tham luận và trao đổi về trực trạng hoạt động QLNN về SHTT ở địa phương; công tác thực thi và thanh tra chuyên ngành SHCN; hoạt động QLNN về sáng kiến, công tác phát triển phát triển tài sản trí tuệ; SHTT với công tác bảo hộ, quản lý và phát triển sản phẩm OCOP; quy định pháp luật, thực trạng và những vướng mắc trong hoạt động hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho các doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực của địa phương.

Cục trưởng Lưu Hoàng Long phát biểu kết luận Hội nghị QLNN về SHTT năm 2024

Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục SHTT Lưu Hoàng Long cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống SHTT Việt Nam đang đứng trước khá nhiều thách thức như: Hoạt động sáng kiến chủ yếu nhằm mục tiêu thi đua khen thưởng mà chưa chú trọng đến việc áp dụng trên thực tế để phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề khai thác chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận sau bảo hộ còn hạn chế (có một số chỉ dẫn địa lý/nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ xong thì không còn sản phẩm đưa ra thị trường); vấn đề giao tài sản được hình thành trên cơ sở của các dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, v.v.. Cục trưởng cho rằng, để hoạt động SHTT hiệu quả hơn nữa thì trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu khả năng xây dựng plattform về giao dịch, quản lý tài sản trí tuệ; đẩy mạnh triển khai mô hình thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ sau bảo hộ, sáng chế; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan, bao gồm Nghị định 70/2018/NĐ-CP để giải quyết vấn đề xử lý tài sản được tạo trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở cả trung ương và địa phương; nghiên cứu các vấn đề mới như bảo hộ SHTT đối với các đối tượng quyền SHCN do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống, vấn đề xung đột trong bảo hộ nhãn hiệu thông thường với bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng/chỉ dẫn địa lý v.v. để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam cũng như xu hướng lớn trên thế giới; đồng thời, cũng cần rà soát, nghiên cứu để sửa đổi các quy định về sáng kiến để bảo đảm thực hiện được mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cục trưởng Lưu Hoàng Long đề nghị các cơ quan QLNN về SHTT bao gồm Cục SHTT và các Sở KH&CN cần đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo chuyên sâu về SHTT, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về tôn trọng quyền SHCN, chấp hành quy định của Luật SHTT; thực hiện các biện pháp để tăng cường hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin trong hệ thống thực thi quyền SHCN và xây dựng cơ chế tăng cường sự phối hợp giữa chủ thể quyền với cơ quan thực thi, các tổ chức quản lý tập thể, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng; và đặc biệt là thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao hiệu quả xử lý đơn đăng ký xác lập quyền.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra hoạt động triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT và khảo sát thực tế hoạt động SHTT tại một số đơn vị điển hình của Thành phố Hà Nội./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị SHTT 2024:

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp Hà Nội Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục SHTT Lưu Hoàng Long, Giám đốc Sở KH&CN Tp Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cùng các đại biểu tham quan triển lãm trưng bày các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT trước khi khai mạc Hội nghị

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp. Hà Nội Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục SHTT Lưu Hoàng Long, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo các Sở KH&CN và các đoàn tham dự Hội nghị

Đ/c Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục SHTT báo cáo Tổng quan hoạt động quản lý nhà nước về SHCN năm 2023, định hướng nhiệm vụ năm 2024 và một số điểm mới trong pháp luật về SHCN

Đ/c Nguyễn Quốc Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hà Nội báo cáo về hoạt động SHCN tại Hà Nội: thực trạng và định hướng hoạt động năm 2024

Đ/c Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT báo cáo tình hình hoạt động SHCN trên thế giới - những xu hướng lớn

Đ/c Nguyễn Thị Thục - Phó GĐ Sở KH&CN Tp. Đà Nẵng thảo luận tại Hội nghị

Đ/c Nguyễn Phúc Thương – Phó Giám đốc Sở KH&CN tình Bắc Giang thảo luận tại Hội nghị

 

Đ/c Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định báo cáo về công tác thực thi quyền SHCN và thanh tra chuyên đề về SHCN tại Bình Định

 

Đ/c Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Quản lý SHTT, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh báo cáo và đề xuất về quản lý hoạt động sáng kiến tại TP. Hồ Chí Minh

Đ/c Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN trao đổi với Hội nghị về công tác thanh tra xử lý vi phạm quyền SHCN

Đ/c Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục SHTT báo cáo tình hình phát triển tài sản trí tuệ tại Việt Nam - một số vấn đề cần lưu ý

Đ/c Bế Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn báo cáo về tình hình phát triển tài sản trí tuệ tại Lạng Sơn

Đ/c Đào Đức Huấn - Trưởng Văn phòng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) báo cáo về SHTT với công tác bảo hộ, quản lý và phát triển sản phẩm OCOP

Đ/c Tạ Mạnh Cường - Trưởng phòng Quản lý năng lực, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) báo cáo về Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài: một số đánh giá từ hoạt động xúc tiến thương mại

 

Ông Hàn Trường Minh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Tư vấn Chuyển giao Công nghệ và Đầu tư (Concetti) báo cáo về quy định pháp luật,
thực trạng và những vướng mắc trong hoạt động hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho các doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực địa phương

Đ/c Lưu Bỉnh Khiêm -Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La thảo luận tại Hội nghị

Ông Nguyễn Bá Hội - Công ty TNHH tư vấn thương hiệu AMC trao đổi vấn đề đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài

 

Nguồn bài: Cục Sở hữu trí tuệ