Ngày 14/09/2017 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành nghị định 105/2017/ND-CP quy định về kinh doanh rượu thay thế Nghị định 94/2012/NĐ-CP cũ. Theo đó, Nghị định đã sửa đổi, bãi bỏ hàng loại những điều kiện đầu tư, kinh doanh mang tính chất trói buộc doanh nghiệp, cụ thể:
Đối với điều kiện sản xuất rượu, Nghị định loại bỏ hoàn toàn quy định về quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát đã không còn phù hợp; doanh nghiệp được tự do đầu tư sản xuất rượu mà không bị ràng buộc bởi quy hoạch của nhà nước.
Đối với điều kiện phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, nhìn chung các yêu cầu về cơ sở vật chất đã được nới lỏng như cần ít diện tích kho hàng hơn, quy mô hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ nhỏ hơn. Đáng chú ý, Chính phủ đã mạnh tay xóa bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý làm giảm tính cạnh tranh của thị trường như: vốn tối thiểu, số lượng phương tiện vận tải tối thiểu, số lượng giấy phép tối đa được cấp dựa trên quy mô dân số.
Đặc biệt, để giải quyết lỗ hổng trong hoạt động quản lý kinh doanh rượu, Nghị định bổ sung quy định hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ tại chỗ như nhà hàng, khách sạn, quầy bar… thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải đăng ký giấy phép. Các thương nhân bán rượu tại chỗ phải làm thủ tục cấp phép trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, ngày 01/11/2017.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho thương nhân Nghị định còn quy định rõ: những rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy; trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì được phép công bố phù hợp thay vì mọi trường hợp đều phải công bố hợp quy như trước đây.
Có thể nhận thấy Nghị định 105/2017/NĐ-CP là một tín hiệu tốt, thể hiện tinh thần kiến tạo của Chính phủ: giảm bớt các điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho thương nhân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu.
Nguyễn Huyền