Apple Inc. đối diện với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
Sau khi từ chối tiếp nhận bảo hành tất cả các sản phẩm xách tay ở nước ngoài về Việt Nam không có hóa đơn, Apple vừa tiếp tục có động thái mới nhằm “siết” tình trạng bán hàng nhái thương hiệu tại thị trường được coi là tiềm năng.
Theo đó, Apple yêu cầu các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam dừng ngay việc sử dụng nhãn hiệu Apple, iPhone hoặc nhãn hiệu khác của công ty Apple Inc. mà không được phép của chủ sở hữu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thư thông báo và khuyến cáo của Apple
Trong thời gian vừa qua, một số cửa hàng kinh doanh điện thoại ở TP.HCM và các tỉnh lân cận nhận được “Thư thông báo và khuyến cáo” từ công ty luật Võ Trần (VOTRA) - đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam của Apple. Theo đó, nội dung của văn bản này đề cập đến việc các cửa hàng sử dụng biểu tượng quả táo cắn dở, tên gọi “Apple”, “iPhone” và những tên gọi khác như “Apple Store”, “App Store”, “iPad”, “iPod”, “MacBook” hiện đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Văn bản nêu rõ: “Dựa theo luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng các nhãn hiệu táo khuyết, Apple, iPhone hay bất kỳ nhãn hiệu nào khác của công ty Apple trên biển hiệu của cửa hàng hoặc trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh mà không được sự đồng ý của công ty Apple đều là hành vi sử dụng bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty Apple”.
Liên quan đến vấn đền nêu trên, vào ngày 14/4 vừa qua, kênh truyền hình Thông Tấn Xã Việt Nam cũng đã có một bản tin về “Vi phạm bản quyền thương hiệu lớn nhìn từ câu chuyện của APPLE”
Trên thực tế, vấn đề sử dụng những tài sản trí tuệ của những thương hiệu lớn một cách rộng rãi, tràn lan, và không dưới bất kỳ sự kiểm soát nào tại Việt Nam không còn quá xa lạ. Việc quản lý những hoạt động sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của những cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Dựa trên những quy định hiện hành, việc sử dụng những thương hiệu hoặc bất kỳ tài sản trí tuệ nào của bất kỳ tổ chức nào, mà không được sự chấp thuận hợp lệ của chủ sở hữu đều là hành vi trái với pháp luật. Trường hợp đối với Apple nêu trên là một ví dụ cụ thể phản ánh sự mất kiểm soát của cơ quan chức năng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam trong con mắt những nhà đầu tư nước ngoài.
Theo tình hình cụ thể nêu trên, đồng thời dựa vào kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, để đảm bảo theo hướng phát triển bền vững, các cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ tại Việt Nam hiện nay cần phải hiểu rõ và nâng cao năng lực đàm phán với Apple về vấn đề Li-xăng thương hiệu Apple tại Việt Nam.
Một cửa hàng điện thoại ở TP. HCM sử dụng logo Apple
Li-xăng là gì?
Li-xăng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHTT (License): là việc tổ chức, cá nhân nắm độc quyền sử dụng một đối tượng sở hữu trí tuệ (Bên chuyển quyền sử dụng - thường được gọi là bên giao) cho phép tổ chức cá nhân tổ chức khác (Bên nhận quyền sử dụng - thường được gọi là Bên nhận) sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ đó.
Đối tượng sở hữu trí tuệ: có thể là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn…
Người có độc quyền sử dụng đối tượng SNTT là chủ sở hữu trí tuệ ( tức là chủ văn bằng bảo hộ đối với đối tượng sở hữu trí tuệ đó); hoặc là bên nhận li-xăng độc quyền ( tức là người được chủ SHTT chuyển giao độc quyền đối tượng sở hữu trí tuệ).
“Văn bằng bảo hộ” ở đây có thể là Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Sự cần thiết của li-xăng:
Chủ sở hữu công nghiệp có độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong thời hạn bảo hộ ( thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ) trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức, cá nhân khác muốn sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ đang trong thời hạn bảo hộ nhằm mục đích thương mại phải được chủ sở hữu trí tuệ cho phép( chuyển quyền sử dụng). Thông thường dưới hình thức ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng SHTT.
Chuyển quyền sử dụng đối tượng SHTT là một hình thức khai thác quyền sở hữu trí tuệ, qua đó chủ sở hữu trí tuệ thu về một khoản tiền (phí chuyển quyền sử dụng) hoặc lợi ích vật chất khác mà không phải trực tiếp sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Hình thức này đặc biệt thích hợp đối với chủ sở hữu trí tuệ không hoạt động kinh doanh hoặc không có năng lực kinh doanh. Chuyển quyền sử dụng còn góp phần phổ biến công nghệ, nâng cao hiệu quả đầu tư nghiên cứu - triển khai, hạn chế độc quyền và thúc đẩy việc tạo ra công nghệ mới. Vì vậy có thể nói rằng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHTT đem lại lợi ích cho cả chủ sở hữu công nghiệp, người được chuyển quyền sử dụng và toàn xã hội nói chung.
Để được tư vấn về thủ tục, trình tự cũng như quy trình đám phán xin Li-xăng thương hiệu không chỉ ở Việt Nam mà còn có ở Lào và Cam-pu-chia, các quý khách hàng có thể liên hệ với công ty chúng tôi theo các thông tin dưới đây:
CONCETTI IP ATTORNEY
Tel: +84 4 3934 3383
Fax: +84 4 3825 9786
Email: concetti@hn.vnn.vn