Mặc dù chỉ đến sau Đổi Mới nền kinh tế Việt Nam mới thực sự mở cửa tuy nhiên trong khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư nước ngoài thì đã được xây dựng từ trước đó rất lâu. Cột mốc quan trọng đầu tiên phải kể đến đó là Nghị định 115/CP ngày 18/4/1977 ban hành Điều lệ đầu tư nước ngoài.

Ngay từ văn bản pháp luật đầu tiên về đầu tư nước ngoài đã thể hiện nguyên tắc bảo hộ đầu tư của Việt Nam đó là nhà đầu tư nước ngoài được phép tự do kinh doanh trong mọi lĩnh vực, trừ những ngành, nghề mà Chính phủ quy định cấm. Tuy nhiên Điều lệ đầu tư mới chỉ thể hiện quan điểm cho phép nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chứ chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư. Điều này thể hiện ở việc thời hạn đầu tư chỉ được kéo dài từ 10 đến 15 năm; hình thức đầu tư bị giới hạn ở việc hợp tác sản xuất, lập liên doanh hoặc lập xí nghiệp 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Ngoài ra, mức thuế lợi tức đối với nhà đầu tư nước ngoài còn lên tới 30% - 50%.

Đến Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 là bước đột phá trong thu hút đầu tư của Việt Nam với rất nhiều cam kết về ưu đãi như việc bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi khác của nhà đầu tư khi đầu tư tại Việt Nam, cho phép thời hạn đầu tư tối đa đến 50 năm, mức ưu đãi thuế đến 10%, trường hợp đặc biệt có thể được miễn thuế trong thời gian tối đa là 4 năm và giảm 50% thuế lợi tức trong thời gian tối đa là 4 năm tiếp theo... Về mặt thủ tục đầu tư, Luật Đầu tư nước ngoài 1987 đã quy định chi tiết hơn rất nhiều về thủ tục đầu tư so với Điều lệ đầu tư nước ngoài trước đây, trong đó có việc án định thời gian giải quyết hồ sơ đầu tư tối đa không quá 03 tháng.

Tiếp đó Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 rồi luật Đầu tư 2005 tiếp tục nâng cao hơn nữa mức ưu đãi về thuế thu nhập, ưu đãi tiền sử dụng đất; ưu đãi chuyển giao công nghệ; ưu đãi nhập khẩu vật tư, phương tiện vận tải phục vụ dự án; thủ tục đầu tư được rút ngắn chỉ còn 60 ngày tại Luật 1996 rồi chỉ còn 15 ngày tại Luật 2005.

Mới đây nhất, Luật Đầu tư 2014 không còn tập trung vào việc ưu đãi đầu tư bằng chính sách thuế nữa mà chuyển hướng sang hoạt động cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thị trường kinh doanh để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Luật đã quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư đối với từng hình thức đầu tư, quy mô dự án. Đáng chú ý, Luật còn quy định rõ danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, từ đó cụ thể hóa nguyên tắc cho phép nhà đầu tư được tư do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Trong suốt 30 năm từ 1987 đến nay, pháp luật về đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện, đem đến nhiều làn sóng đầu tư mạnh mẽ, đưa kinh tế Việt Nam hội nhập với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên nền kinh tế thế giới luôn thay đổi không ngừng, trong nền kinh tế 4.0, liệu Việt Nam còn có thể giữ vững những lợi thế thu hút đầu tư của mình để tiếp tục vươn xa?

Lê Thắng
(còn tiếp)