Kỳ họp lần thứ 57 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã diễn ra từ ngày 01 - 11/10/2017 tại Geneva, Thụy Sĩ. Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện 191 quốc gia thành viên, trong đó có 2 thành viên mới gia nhập là Marshall Islands và Timor Leste. Đoàn công tác Việt Nam bao gồm ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva; ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Mai Văn Sơn, Tham tán Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva và ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ.
Kỳ họp lần này đã thông qua các báo cáo của các Ủy ban, Hội đồng của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid; và rà soát báo cáo của WIPO về các hoạt động của Tổ chức từ kỳ họp Đại hội đồng lần trước. Cuộc họp đã thảo luận và đưa ra một số quyết định nổi bật bao gồm: (i) Đại sứ Dương Chí Dũng của Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019; (ii) Việt Nam tiếp tục được bầu là thành viên của Ủy ban điều phối (trong tổng số 83 thành viên); (iii) bầu 53 thành viên của Ủy ban PBC và nhất trí tiếp tục tham vấn về việc bổ sung thành phần và số lượng thành viên để báo cáo Đại hội đồng 2018 quyết định; (iv) đề nghị Đại hội đồng 2018 tiếp tục xem xét việc triệu tập Hội nghị Ngoại giao để thông qua DLT; (v) gia hạn nhiệm vụ IGC trong năm tài khóa 2018-2019 để tiếp tục đàm phán các văn kiện quốc tế về bảo hộ nguồn gen, tri thức truyền thống và thể hiện văn hóa dân gian; (vi) mở 4 văn phòng đại diện của WIPO, trong đó có văn phòng tại Colombia trong năm tài khóa 2018-2019; (vii) công nhận Cơ quan Sở hữu trí tuệ Philippines là cơ quan tra cứu và thẩm định sơ bộ quốc tế; và (viii) thông qua Chương trình và ngân sách 2018-2019.
Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia và có phát biểu về một số nội dung quan trọng của Cuộc họp, cụ thể Việt Nam đề nghị gia hạn nhiệm vụ đàm phán cho IGC, ủng hộ việc triệu tập Hội nghị ngoại giao để ký kết thỏa thuận về luật kiểu dáng công nghiệp,…Việt Nam cũng tích cực tham gia tổ chức Triển lãm và Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN bên lề Đại hội đồng WIPO.
Bên cạnh buổi chào xã giao Tổng giám đốc WIPO, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã có buổi làm việc với Trợ lý Tổng giám đốc WIPO và Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương của WIPO. Tại các buổi làm việc, hai bên đã thống nhất các hoạt động hợp tác cụ thể dự kiến được triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là việc WIPO nhất trí hỗ trợ việc xây dựng hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ, hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng dự thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia, triển khai dự án Trục và Nan hoa, tổ chức các hội thảo tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tại một số thành phố lớn của Việt Nam, đào tạo thẩm định viên sáng chế,…Tại cuộc họp với EPO, phía bạn đã đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy quan hệ giữa hai Cơ quan trong thời gian tới, cụ thể là nghiên cứu khả năng ký kết Thỏa thuận về Thẩm định nhanh đơn SC (PPH); khả năng ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau kết quả thẩm định đơn sáng chế giữa hai Cơ quan. Cục cũng đề nghị phía bạn đẩy mạnh hoạt động đào tạo cho thẩm định viên sáng chế cho Việt Nam. Hai bên thống nhất sẽ xem xét kế hoạch hợp tác một cách tổng thể.Tại cuộc họp giữa Cục Sở hữu trí tuệ và JPO, hai bên thống nhất tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Cơ quan trong thời gian tới, tập trung vào việc đào tạo thẩm định viên mới, xây dựng quy chế thẩm định các sáng chế trong bối cảnh của Cuộc cách mạng 4.0, xây dựng hệ thống quản trị chất lượng và chương trình đào tạo cho Cục Sở hữu trí tuệ, và xây dựng một dự án hỗ trợ kỹ thuật mới dành cho Việt Nam.
Tại cuộc họp với INPI, hai bên đã chia sẻ tình hình phát triển gần đây của hệ thống SHTT của hai nước. Hai bên thống nhất một số định hướng phát triển quan hệ trong thời gian tới, cụ thể là sửa đổi Bản ghi nhớ hợp tác để mở rộng phạm vi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về định giá sáng chế và công nghệ.Tại cuộc họp với IP Australia, hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác đã thỏa thuận như Chương trình RPEM, tổ chức đoàn khảo sát về cơ chế tài chính của IP Australia,…Tại cuộc họp với UK IPO, hai Cơ quan đã trao đổi các phát triển gần đây của hệ thống SHTT của hai nước, đặc biệt là hệ quả của Brexit đối với hệ thống SHTT Vương quốc Anh. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục các hoạt động hợp tác trong thời gian trên cơ sở Bản ghi nhớ đã ký kết, đặc biệt là vấn đề đào tạo cán bộ, định giá tài sản trí tuệ.Bên lề Đại hội đồng, Việt Nam cùng với ASEAN đã tham vấn với JPO để rà soát tiến độ triển khai kế hoạch hợp tác giai đoạn 2017-2018 giữa khu vực với Nhật Bản cũng như thống nhất một số định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Ngày 11/10/2017, Đoàn công tác kết thúc chuyến công tác tốt đẹp và lên đường về nước.
Vũ Việt Hoàng