Gần đây, câu chuyện gạo ST25 của Việt Nam bị chiếm đoạt nhãn hiệu ở nước ngoài đã thực sự gióng một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng lơ là vấn đề sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, ngoài gạo ST25, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bị doanh nghiệp nước ngoài ăn cắp nhãn hiệu.

Và nguy cơ này, không đâu xa, thường đến từ chính nhà phân phối - đối tác của doanh nghiệp đó ở thị trường nước ngoài.

Câu chuyện về cà phê trái cây Meet More tại Hàn Quốc

Ra đời năm 2015, Công ty Cà phê trái cây Meet More là thương hiệu cà phê trái cây đầu tiên ở Việt Nam. Nhanh chóng thu được những thành công ở thị trường trong nước, năm 2019, Meet More bắt đầu xuất khẩu những lô hàng đầu tiên sang Hàn Quốc.

Cafe Trung Nguyên bị ăn cắp nhãn hiệu tại Mỹ: nguy cơ từ các nhà phân phối
Mô hình nhượng quyền xe cà phê Take away của Meet More (Ảnh: meetmorecofffee)

Phát biểu trong một hội thảo về sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Công ty Cà phê trái cây Meet More, cho biết: “Khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Hàn Quốc, tôi đã nghĩ đến việc phải đăng ký rồi, nhưng chưa có bước chuẩn bị thôi, mình lo xuất hàng sang trước. Sau khi xuất thành công lô hàng thứ hai thì chúng tôi mới bắt đầu tiến hành nộp đơn xin bảo hộ tại nước sở tại”.

Nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngay sau khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên được khoảng 2 – 3 tháng, Meet More đã cực kỳ kinh ngạc khi bị Cơ quan nhãn hiệu Hàn Quốc (KIPO) từ chối đơn với lý do nhãn hiệu cà phê trái cây Meet More đã được một đơn vị khác nộp đơn đăng ký trước.

Và sau khi mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, Meet More mới phát hiệu ra một sự thật hết sức bật ngờ: kẻ đã “nẫng tay trên” nhãn hiệu của công ty chính là nhà phân phối của cà phê Meet More tại thị trường Hàn Quốc. 

Biết được điều này, Meet More đã phải quay lại đàm phán với nhà phân phối của mình. Mất mấy tháng trời, công ty phân phối Hàn Quốc của Meet More mới chịu rút đơn, từ đó Meet More mới lấy lại được thương hiệu của mình và tiếp tục tiến trình bảo hộ.

Cafe Trung Nguyên bị đánh cắp nhãn hiệu ở Mỹ

Khác với quá trình đòi lại nhãn hiệu còn tương đối đơn giản của Meet More, Cafe Trung Nguyên còn gặp phải tình huống oái oăm hơn. Vào tháng 7 năm 2000, Công ty Trung Nguyên đã có những buổi tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục tiêu xuất khẩu những sản phẩm của công ty sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng cuối cùng thì bên phía Công ty Rice Field đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Cafe Trung Nguyên bị ăn cắp nhãn hiệu tại Mỹ: nguy cơ từ các nhà phân phối 1
Cafe Trung Nguyên từng bị "đánh cắp" nhãn hiệu vào những năm 2000 (Ảnh: Cà phê rang xay)

Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, một mặt Cafe Trung Nguyên đã nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ và WIPO; đồng thời tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field.

Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu của mình khi WIPO không chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu cho Rice Field. Rice Field cũng đành chấp nhận trở thành đại lý phân phối Cafe Trung Nguyên tại Mỹ.

Thế nhưng, theo nhiều nguồn tin, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn tốn hàng trăm nghìn USD để dàn xếp ổn thỏa sự việc và giành lại thương hiệu của mình.

Sau bài học đắt giá này, Trung Nguyên đã thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên toàn thế giới.

Đã đăng ký nhãn hiệu nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ mất nhãn hiệu

Nhưng đăng ký nhãn hiệu kịp thời chưa hẳn đã xong, có những doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài vẫn phải đối mặt với nguy cơ mất nhãn hiệu. Công ty Xuất khẩu Zon Beyond Việt Nam là một trong số đó.

Kể lại trường hợp của công ty mình, bà Jessica Quang, Tổng Giám đốc của Công ty Zon Beyond, cho biết: “Cách đây hơn một năm, chúng tôi có hợp tác với một công ty khởi nghiệp Việt Nam để phân phối một loại sản phẩm nông sản của họ sang thị trường Hoa Kỳ. Theo thỏa thuận, chúng tôi sẽ đầu tư toàn bộ chi phí đăng ký nhãn hiệu, xây dựng nhãn hàng đó tại Hoa Kỳ và là chủ sở hữu nhãn hiệu tại Hoa Kỳ.

Chúng tôi bán hàng trên kênh Amazon, còn cho phép đối tác sử dụng nhãn hiệu đó để bán hàng trên các kênh còn lại, sau một năm cả hai bên phát triển khá tốt. Tuy nhiên, họ bỗng dưng đòi mình trả lại nhãn hiệu đấy cho họ, họ thuê luật sư gửi email nói mình không trung thực trong kinh doanh, cố tình đăng ký nhãn hiệu mà không cho họ biết”.

Mặc dù nhận thấy lỗi của mình là trước đây không có hợp đồng rõ ràng do phía đối tác trì hoãn, song cuối cùng, công ty Zon Beyond vẫn giữ được quyền sở hữu nhãn hiệu do đã cẩn thận lưu lại bằng chứng trong các cuộc nói chuyện với bên đối tác về việc họ đồng ý cho bên Zon Beyond đứng tên đăng ký nhãn hiệu đó tại Hoa Kỳ.

Việc thu thập đầy đủ các bằng chứng cũng giúp Zon Beyond nhận được sự hỗ trợ từ nền tảng thương mại điện tử Amazon. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Amazon Global Selling cũng đã giúp đỡ Zon Beyond rất nhiều. Các nền tảng thương mại điện tử luôn tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính trên thị trường. Vì vậy khi gặp bất kỳ vấn đề gì, chúng ta cần cung cấp các bằng chứng cho các nền tảng thương mại này để họ kịp thời can thiệp.

Tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"

Hành vi “ăn cắp” nhãn hiệu trên thị trường quốc tế có thể đến từ bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên cẩn thận với những doanh nghiệp phân phối ở nước ngoài vì đây chính là những đơn vị kinh doanh mặt hàng giống với mặt hàng của doanh nghiệp và cũng có nhu cầu bảo vệ doanh thu từ sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp hiểu về pháp luật, quy chế nước sở tại hơn. Vì vậy, hành vi đăng ký nhãn hiệu tại nước sở tại trước cả doanh nghiệp sản xuất, khi chưa có thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng là điều dễ hiểu.

Cafe Trung Nguyên bị ăn cắp nhãn hiệu tại Mỹ: nguy cơ từ các nhà phân phối 2
Ông Hàn Tường Minh, Tổng Giám đốc Công ty Concetti phát biểu tại Hội thảo "Kết nối kinh doanh,
xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam" ngày 12/8/2022

Tại Hội thảo "Kết nối kinh doanh xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam", ông Hàn Tường Minh, Tổng Giám đốc Công ty Concetti (một trong những đơn vị đầu tiên được lựa chọn làm đại diện sở hữu trí tuệ tại Việt Nam) cho biết: “Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu quốc tế, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp bị chính các nhà phân phối đối tác vi phạm nhãn hiệu. Đây là nguy cơ có thật, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có bước soạn thảo và chuẩn bị hợp đồng thật cẩn thận khi làm việc với các nhà phân phối quốc tế”.

Ông Minh nhận định, doanh nghiệp cần sớm xác định các thị trường xuất khẩu và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ kịp thời để tránh tình trạng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các thị trường tiềm năng.

Theo Hoàng Hường
Tạp chí The Leader