Phần 1: Quyền tư doanh và sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân
Phần 2: Hành trình thành lập doanh nghiệp
Trong hai phần trước, CONCETTI đã điểm lại một loạt những thay đổi của luật pháp Việt Nam trong suốt 30 năm đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Và sẽ là một thiếu sót lớn nếu bài viết này CONCETTI không chia sẻ về những biến động đối với khu vực kinh tế nhà nước; đặc biệt là về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngay từ sau Đổi Mới, Đảng và Nhà nước đã coi việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường tính tự chủ, tư chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh công bằng với các khu vực kinh tế khác. Pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp có thể phân ra thành một số giai đoạn sau:
- Từ năm 1992 đến tháng 6 năm 1998 là giai đoạn thí điểm, thực hiện cổ phần hóa theo cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 202/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau này là Nghị định 28/CP của Chính phủ. Giai đoạn này mới chỉ thí điểm cổ phần hóa đối với một số doanh nghiệp nhà nước có quy mô vừa, việc bán cổ phần chỉ được dành cho các nhà đầu tư trong nước, ưu tiên bán cổ phần cho cán bộ, nhân viên của chính doanh nghiệp.
- Giai đoạn tiếp theo là từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 2/6/1998 đến ngày 04/07/2002. Nghị định này lần đầu tiên cho phép người nước ngoài định cư ở Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên mức mua cổ phần hóa vẫn bị giới hạn như pháp nhân được mua tối đa không quá 20% tổng số cổ phần của doanh nghiệp; cá nhân được mua tối đa không quá 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp
- Giai đoạn từ tháng 07/2002 đến nay: Nghị định số 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành đã lần đầu tiên quy định một khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho việc xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước. Những thay đổi này có ý nghĩa quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng như huy động được nguồn lực đầu tư không nhỏ từ nước ngoài. Các Nghị định tiếp theo như Nghị định 187/2008/NĐ-CP; Nghị định 109/2007/NĐ-CP; Nghị định 59/2011/NĐ-CP; Nghị định 126/2017/NĐ-CP tiếp tục mở rộng quy mô cổ phần hóa đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% cổ phần. Thủ tục cổ phần hóa cũng được hoàn thiện hơn theo hướng minh bạch hóa thông qua thị trường chứng khoán, không hạn chế số lượng cổ phần mua của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; cổ phần hóa nhắm đến những nhà đầu tư chiến lược thay vì chỉ đơn thuần chào bán cổ phần riêng lẻ như trước đây.
Thực tiễn đã cho thấy hiệu quả của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần đã có kết quả kinh doanh tốt hơn rõ rệt. Tuy nhiên, cổ phần hóa vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như quyền sử dụng đất của nhiều doanh nghiệp nhà nước bị định giá thấp để thất thoát nguồn vốn nhà nước, nhiều đơn vị không muốn cổ phần hóa nhằm tiếp tục hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước v.v.
Lê Thắng