Sau năm 1975, nước CHDCND Lào đã hòa bình và thống nhất sau cuộc nội chiến dai dẳng. Nền kinh tế của nước Lào non trẻ lúc bấy giờ là một nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa dựa nhiều vào viện trợ từ Liên bang Xô Viết và Việt Nam.
Thập niên 1980, cũng giống như Việt Nam, nền kinh tế Lào cũng rơi vào khủng hoảng. Tại Đại hội IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào năm 1986, đường lối mở cửa đất nước của CHDCND Lào đã được đề ra. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã kịp thời đề ra đường lối đổi mới toàn diện, xây dựng và phát triển đất nước. Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới, kinh tế Lào phát triển khá mạnh. Có thể nhận thấy rằng, từ khi mở cửa, điều chỉnh cơ cấu kinh tế năm 1986 đến nay, Lào từ một trong những nước chậm phát triển nhất đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất, để tiến lên xây dựng nền kinh tế quốc dân vững mạnh.
Kinh tế Lào đổi mới và tiến hành hội nhập kéo theo nhu cầu về sự phát triển của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) trong một nền kinh tế mới. Lúc bấy giờ, cơ sở pháp lý tại Lào về QSHTT cũng không được thống nhất hay rõ ràng, còn nhiều điều chồng chéo nhau. Chính phủ Lào lúc bấy giờ cũng đã mời nhiều đơn vị tư vấn tham gia xây dựng những cơ sở pháp lý tại Lào, trong đó có CONCETTI. Văn phòng đại diện của CONCETTI tại Lào được thành lập năm 1988, là đại diện SHTT đầu tiên của người Việt tại Lào và từ đó đến nay là một trong số ít đơn vị đại diện SHTT của người Việt tại Lào. Kể từ ngày hoạt động, đến nay, CONCETTI đã đại diện cho hàng ngàn tổ chức, cá nhân ở hầu hết các nước trên thế giới đăng ký bảo hộ QSHTT tại Lào.
Những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Lào gồm Luật Tài sản 1990, Nghị định số 6 năm 1995 về đăng ký Nhãn hiệu… và sự tham gia của Lào với Tổ chức SHTT Thế giới WIPO vào năm 1995 và Công ước Paris vào năm 1998.
Ngày 13 tháng 8 năm 1991, 15 nhãn hiệu đầu tiên của Philip Morris Brands Sàrl với sự tư vấn của CONCETTI đã được nộp đơn xin đăng ký tại Lào. Đây chính là một mốc quan trọng cho sự phát triển của ngành SHTT Lào. Lúc này tại Lào mới bắt đầu chỉ có Nhãn hiệu Thông thường chứ chưa hề có các đối tượng khác của Sở hữu Công nghiệp như Kiểu dáng Công nghiệp, Sáng chế, Giải pháp hữu ích…
Bước sang thế kỷ XXI, chính quyền CHDCND Lào đã có rất nhiều văn bản quy định khá đầy đủ về sở hữu công nghiệp như Pháp lệnh số 466 năm 2002 về Đăng ký Nhãn hiệu, Nghị định 01 năm 2002 về Sáng chế, Giải pháp hữu ích và Kiểu dáng Công nghiệp, Pháp lệnh số 22 năm 2003 quy định chi tiết về Sáng chế, Giải pháp hữu ích và Kiểu dáng Công nghiệp… Tuy vậy, lúc này Lào vẫn chưa có một bộ Luật thống nhất về SHTT.
Tới năm 2011, Quốc hội Lào đã thông qua Luật số 01/NA (20/12/2011) – Đây là luật thống nhất đầu tiên của Lào về SHTT. Tuy vậy, luật này vẫn có nhiều hạn chế và cần sự chỉnh sửa bổ sung.
Ngày 08/06/2018, Luật SHTT Lào mới chính thức có hiệu lực. Luật số 38/NA (15/11/2017) chính thức thay thế Luật số 01/NA (20/12/2011). Luật SHTT mới sẽ hoàn thiện những hạn chế cũng như nâng cao hiệu quả của chính phủ Lào trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện đại.
Hiện nay, ngành SHTT ở Lào đã phát triển vô cùng đa dạng với đầy đủ nhiều thành phần như Nhãn hiệu, Kiểu dáng công nghiệp, Giải pháp hữu ích, Sáng chế, Giống cây trồng… Các quy định về đăng ký, gia hạn, sửa đổi, duy trì, phản đối, khiếu nại… cũng đã khá đầy đủ và phù hợp với quy luật phát triển của Thế giới.
Kỷ niệm ngày SHTT Thế giới 2017 (26/04), Cục SHTT của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã trao tặng bằng khen cho CONCETTI - LÀO ghi nhận những đóng góp của CONCETTI - LÀO trong việc đăng ký, thực thi QSHTT tại Lào trong gần 30 năm qua. Lịch sử phát triển của ngành SHTT Lào luôn có sự song hành của CONCETTI trong suốt gần 30 năm qua.
Vũ Việt Hoàng