Nếu như 30 năm trước, công việc tư vấn chưa có tên trong bảng phân loại kinh tế quốc dân, bị cả xã hội kỳ thì là một nghề “buôn nước bọt”, một hình thức chạy chọt thì đến nay, tư vấn được khẳng định là một nghề trí tuệ không thế thiếu trong nền kinh tế.

Gần bốn thập kỷ trước, khi kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khái niệm ‘tư vấn’ gần như không hề có. Trong những năm đầu đổi mới, kinh tế lâm vào khủng hoảng, đời sống vô cùng khó khăn, pháp luật thời điểm này công nhận quyền kinh doanh rất hạn chế.

Nhìn vào các dự án đầu tư thiếu hiệu quả khi mới trở về từ Liên Xô và làm việc tại Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ở tuổi 38, ông Hàn Mạnh Tiến- sau này là Tổng giám đốc Concetti, một trong những công ty nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp, độc lập ra đời sớm nhất ở Việt Nam sau Đổi mới, trằn trọc: “Đó là những khoản tiền khổng lồ bị thất thoát, lãng phí do thiếu ý kiến của chuyên gia độc lập. Việc chi tiêu ngân sách của Chính phủ vào các dự án còn chưa được phân tích, đánh giá đầy đủ”.

Ông Tiến kể lại, một nhà máy đường lúc ấy được quyết định xây dựng nhanh chóng sau khi nghe báo cáo thiếu hụt nguồn cung mà không hề tính toán đến khả năng cung ứng nguyên liệu, vận chuyển ra sao, phân phối thế nào.

“Thất bại liên tục, thất bại ghê gớm. Tôi nhớ hồi đó có một nhà máy nhiệt điện giá trị 25 tấn vàng nghiên cứu không kỹ đã tiến hành xây dựng, chuyển địa điểm nhiều lần đến lúc lấy máy móc ra sử dụng đều bị gỉ hết và trở thành đống sắt vụn, lúc bấy giờ còn không có nhà máy chế biến thép ở trong nước”, ông Tiến trầm ngâm nhớ lại.

Đó cũng là lúc ông Tiến cùng một số đồng nghiệp tham gia đề tài CBĐT-KH-01 nghiên cứu về hiệu quả đầu tư của các công trình viện trợ từ nước ngoài. Đề tài do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Tổng công ty Nhập khẩu thiết bị phối hợp thực hiện.

Ông Tiến nhận ra khi đất nước ngày một phát triển, việc sử dụng các chuyên gia, nhà tư vấn cho quyết định của Chính phủ sẽ ngày càng trở nên cần thiết mặc dù lúc bấy giờ ít người nhận ra điều này.

 

Tầm nhìn đó chính là bước ngoặt quan trọng để ông Hàn Mạnh Tiến cùng một số người, trong đó có ông Bùi Tường Anh, chuyên gia cao cấp của Vụ Thẩm định công nghệ (Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường) và cũng là một chuyên gia cấp cao về kinh tế phát triển và đầu tư nảy ra những ý tưởng mới mẻ với mục tiêu ban đầu là tập hợp các chuyên gia tốt để tư vấn cho các dự án của Chính phủ.

“Vào thời điểm đó, ước muốn làm thế nào để có một tiếng nói và hình thành được một đơn vị tư vấn độc lập gần như không tưởng. Vì lúc bấy giờ Nhà nước quyết định hết, tư nhân không được phép đầu tư và không hề có tiếng nói”, ông Anh chia sẻ.

Phải đến sau 1986, lực lượng tư nhân mới dần được cởi trói và xã hội chính thức công nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Cũng vào thời điểm đó, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu được mở cửa vào Việt Nam; đối với họ, việc tìm hiểu về đất nước, chính sách, con người, các mối quan hệ là điều rất quan trọng.

RA RIÊNG

 

Ngày 15/10/1988, Trung tâm Tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư Concetti trực thuộc Viện Nghiên cứu quản lý khoa học và kỹ thuật được thành lập, ông Tiến lúc đấy là Trưởng phòng kinh tế khoa học của Viện được bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm. Trung tâm này tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động và tài chính, không có biên chế.

Đây là một bước ngoặt quan trọng, là tiền đề để chuyển sang mô hình tư vấn tư nhân sau này. Ông Anh cho biết, thành lập công ty ngay từ ban đầu rất khó vì phải có trụ sở nhưng chỗ làm việc của họ chỉ vỏn vẹn trong căn phòng rộng 4m2 với 1 bộ bàn ghế được Viện cho mượn, không có kế toán và cũng không hề có tiền.

Rời khỏi ‘bầu sữa mẹ’ là ngân sách nhà nước để bắt đầu từ con số 0, ông Tiến và cộng sự gặp rất nhiều khó khăn, phải dò dẫm từng bước vì lúc bấy giờ chưa có mô hình, không biết kinh tế tư nhân là như thế nào.

“Khi trung tâm mới thành lập, chưa hề có khái niệm marketing, chúng tôi phải đi vận động và giúp đỡ những doanh nghiệp cần và muốn đổi mới nhưng chưa biết đổi mới là gì vì chưa có ai biết đến chúng tôi cũng như nghề tư vấn. Chi phí thực hiện các dự án lúc đó cũng rất rẻ”, ông Anh kể.

Dù nhận được ủng hộ từ người thân, bạn bè và những người hiểu biết nhưng nhìn chung ít ai tin rằng trung tâm có thể tồn tại và phát triển được trong bối cảnh ấy.

“Lúc đấy chúng tôi còn trẻ, hăng hái, sức chịu đựng rất lớn và được nhiều người sẵn sàng giúp đỡ. Có những khi chúng tôi phải thức trắng hai đêm ròng để làm việc. Ai cũng có suy nghĩ là phải đặt công việc lên trên hết, đôi khi còn quên chính bản thân mình” ông Anh nhớ lại.

Ông Hoàng Tư Khoa, nguyên là chuyên viên thuộc Bộ Khoa học và công nghệ nhớ lại về những ngày tháng đó: Những người đứng ra thành lập Trung tâm lúc bấy giờ là một bộ phận tiên tiến của Bộ, năng nổ, tháo vát, nhiều ý tưởng và mạnh dạn tìm ra hướng đi mới mặc dù vẫn đang trong thời kỳ bao cấp.

KHẲNG ĐỊNH

“Vào cuối năm 1988, với tư cách là một nhà tư vấn, tôi sang Genève (Thuỵ Sĩ) gặp gỡ một người bạn trong Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc UNIDO. Ông ấy nhìn tôi và tỏ ra rất nghi ngờ bởi lẽ 3 tháng trước đó khi vẫn còn ở Việt Nam, ông nhận thấy rằng khái niệm tư vấn chưa hề xuất hiện ở đây. Ông ta cho rằng với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung ở Việt Nam lúc bấy giờ, nghề tư vấn không thể tìm ra đất sống”, ông Tiến kể lại.

Đáng buồn hơn, lợi dụng sự mơ hồ về chính sách và thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài khi bắt đầu tìm đến Việt Nam, đã có những người Việt tiếp cận và hứa hẹn kết nối đủ điều nhờ ‘các mối quan hệ có sẵn’ nhưng sau một thời gian dài không làm được việc, họ ôm trọn số tiền ‘moi’ từ các công ty này cao chạy xa bay.

“Một người bạn Hàn Quốc của tôi cho biết, bạn anh ấy vào Việt Nam 10 người thì cả 10 người đều bị lừa, mất rất nhiều tiền”, ông Tiến cho biết.

Nói về tố chất của người làm nghề tư vấn, vị lãnh đạo Concetti nhấn mạnh, nghề tư vấn không phải ai cũng làm được. Làm tư vấn phải phân tích, đánh giá và đưa ra được một giải pháp tối ưu cho khách hàng. Ngoài ra, nếu không có các tố chất như năng động, thông minh, trung thực thì khó làm được nghề này.

Trên nhiều trang báo lớn của Việt Nam lúc bấy giờ nổi lên loạt bài phản ánh thực trạng một lớp người buôn nước bọt, buôn quan hệ, lừa đảo bắt đầu xuất hiện trong xã hội; cho rằng người làm tư vấn đã phá hỏng môi trường đầu tư, dư luận xã hội có những phản ứng khá dữ dội.

Cũng chính vì vậy, họ bị phòng ngừa bằng một hệ thống hành chính nghiêm ngặt. Như ông Tiến, để thành lập được Concetti lúc bấy giờ phải xin đủ 23 con dấu mà bây giờ nhìn lại, ông cũng không thể nhớ nổi đó là những con dấu gì.

Dù đã mở cửa, nhưng việc tiếp xúc với người nước ngoài lúc bấy giờ cũng luôn được kiểm soát chặt chẽ, cực kỳ nghi kỵ. Theo ông Tiến, dư luận xã hội không quan trọng bằng nỗi lo tiếp xúc với người nước ngoài vì đây là công việc bắt buộc đối với nghề tư vấn.

“Việc tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài lúc đó chẳng khác nào như có một thanh kiếm treo lơ lửng trên đầu vậy. Viết thư thăm hỏi gửi ra nước ngoài phải mang qua Vụ Tổ chức cán bộ để báo cáo, các hoạt động giao tiếp với người nước ngoài thường xuyên bị giám sát. Mỗi tuần phải có báo cáo đều đặn gặp ai, nói gì, ai giới thiệu”, ông Tiến kể lại.

Dù khó khăn như vậy nhưng với quyết tâm cao, ông Tiến cùng những người bạn của mình đã từng bước góp phần khẳng định vai trò của nghề tư vấn trong xã hội.

Một trong những dự án đầu tiên họ làm là lập báo cáo khả thi cho nhà máy xuất khẩu bao bì của Hà Nội, cần làm những gì, nguyên liệu ra sao, giá thành sản phẩm như thế nào để nhà máy có thể vận hành và phát triển tốt.

Rồi khi Colgate bắt đầu vào tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam, những người tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam lại đi hết các chợ đầu mối, chụp ảnh tất cả các loại kem đánh răng trên thị trường, xây dựng báo cáo nghiên cứu về thị trường để gửi cho họ.

Ông Tiến còn chịu khó sang Singapore để trình bày với các nhà đầu tư ở đây về các nét cơ bản của kinh tế Việt Nam, các chính sách…, giúp họ nhìn nhận rõ hơn về Việt Nam. Ông còn sắp xếp các cuộc làm việc để Chính phủ hiểu rõ hơn nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại.

Đến đầu những năm 1990, ông Tiến và các đồng sự nhận ra đây là thời điểm phải lựa chọn, hoặc ở lại trong biên chế nhà nước với chức danh và công việc mà nhiều người mơ ước hay đi theo con đường riêng của chính mình.

“Lúc đấy chúng tôi nhận ra rằng ở trong Viện mãi sẽ không thể tồn tại được vì một lượng lớn khách hàng của Trung tâm là công ty nước ngoài liên doanh với Việt Nam. Họ không tin tưởng vào tư vấn nhà nước và cần làm việc với những người tư vấn độc lập, chuyên nghiệp trong khi ở Viện thì không thể độc lập được”, ông Anh kể lại.

Tuy nhiên vào thời điểm đó, một công ty khác thuộc Bộ Khoa học và công nghệ chuyên về dịch vụ sở hữu trí tuệ cũng muốn thành lập nhưng lãnh đạo bộ lúc đó chỉ đồng ý đóng dấu cho thành lập một công ty.

Ngày 4/7/1991, Concetti được GS. Trần Phương ký tiếp nhận là một tổ chức kinh tế trực thuộc Uỷ ban Trung ương Hội kinh tế Việt Nam bởi ông đánh giá cao nỗ lực và tính chuyên nghiệp của những người làm công tác tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ. Hai năm sau, Công ty Concetti được thành lập, trở thành một trong những công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tiên của Hà Nội khi luật doanh nghiệp tư nhân ra đời.

ĐỊNH DANH

Đối với nhiều người, quyết định đó như một cuộc chơi lớn mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để đặt cược, không phải ai cũng dám bỏ đi những gì mình đang có, công việc hay địa vị xã hội để đi một con đường khác chỉ bằng một hành trang duy nhất- niềm tin.

Nhiều chuyên gia là bạn, là đồng sự của ông Tiến cũng như nhiều người khác đều cho rằng, đây là một quyết định quá liều và có nhiều rủi ro bởi công ty tư nhân lúc bấy giờ đang bị xã hội kỳ thị, chưa kể đến việc nghề tư vấn còn quá mới mẻ với xã hội lúc đó. Họ không coi tư vấn là một nghề mà là một lớp người buôn nước bọt, coi người làm tư vấn là những người ăn theo, bợ đỡ để kiếm tiền.

“Chỉ có một đơn vị tư vấn độc lập mới có thể đánh giá, phán xét các dự án đầu tư và khuyên các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cũng như cung cấp các thông tin cần thiết, các biện pháp để hạn chế sai lầm có thể gây thiệt hại và đạt hiệu quả cao khi doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với nước ngoài.

Chính vì vậy, Concetti đã được thành lập trước sự ngỡ ngàng của nhiều bạn bè, lo lắng không biết liệu một công ty hoạt động về chất xám có thể tồn tại được hay không trong môi trường phức tạp thời bấy giờ”, ông Tiến kể.

“Nếu không làm được điều đó, chúng tôi sẽ chẳng thể là mình nữa”, ông Bùi Tường Anh, trên cương vị Chủ tịch HĐTV Concetti nhớ lại.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình và hữu hiệu của Uỷ ban Trung ương Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, đặc biệt là của GS Trần Phương, Chủ tịch Hội, ông Tiến, ông Anh và những người có cùng chí hướng đã tổ chức vận động và đã được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chấp nhận viện trợ cho Việt Nam thực hiện dự án VIE/95/038 về nâng cao năng lực tư vấn trong nước, phục vụ phát triển nguồn nhân lực.

Từ hoạt động của dự án, với sự tham gia của nhiều hội, hiệp hội, bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước, nhiều nghiên cứu, khảo sát đã được thực hiện, nhiều kiến thức về tư vấn đã được phổ biến.

Tuy không được tính là một nội dung chính thức của dự án nhưng họ đã tranh thủ nghiên cứu một cách bài bản và công phu để góp phần hoàn thành một dự thảo Nghị định về tư vấn, được sự góp ý rộng rãi của các bộ, ngành, các hội, các chuyên gia để trình Chính phủ. Dự thảo này sau đó đã trở thành nòng cốt của Nghị định 87/2002, làm rõ nhiều vấn đề cơ bản trong nghề tư vấn. Bởi lẽ ông Tiến và những cộng sự của mình nhận ra rằng, để chuẩn tắc nghề này rất cần phải có văn bản của Chính phủ về hoạt động tư vấn ở Việt Nam.

VỊ THẾ

 

Họ tiếp tục chủ động tiếp xúc, làm việc, chia sẻ để bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về văn hoá, con người, sự thay đổi bước đầu về môi trường pháp lý của Việt Nam từ đó góp phần thu hút nhiều tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại đúng thời điểm mà bất cứ nơi đâu, bất cứ địa điểm nào ở Việt Nam cũng cần vốn để xây dựng và tái thiết sau những năm dài chiến tranh và cấm vận.

Trong những năm sau đó, Concetti còn tư vấn cho Chính phủ Lào ban hành luật sở hữu công nghiệp và mở lại sổ đăng bạ sở hữu trí tuệ; nghiên cứu thể chế liên quan đến tiếp nhận viện trợ của Việt Nam cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Cũng trong giai đoạn 1993 - 1994, Concetti thành lập công ty kiểm toán với Úc, tổ chức thu hút vốn và triển khai thực hiện 14 dự án của NARV với tổng vốn khoảng 1 triệu USD.

Concetti còn thực hiện tư vấn cho hàng trăm dự án đầu tư trong và ngoài nước, điển hình là dự án Ciputra xây dựng khu đô thị tại Hà Nội với số vốn 2,6 tỷ USD vào năm 1996.

GS-TS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, các đơn vị tư vấn lúc đó đã không chỉ tư vấn về dự án, không chỉ góp phần lớn vào thu hút vốn ở giai đoạn đất nước thiếu vốn vô cùng, Chính phủ chưa có nhiều kinh nghiệm và năng lực để bao quát hết được các mục tiêu và kế hoạch phát triển chung, mà còn tư vấn về chính sách, pháp luật, xây dựng thể chế… giúp sức rất nhiều trong hình thành nên các chính sách, các luật quan trọng để đất nước có đủ khả năng cạnh tranh, hội nhập bình đẳng với các nước trên thế giới.

Năm 1995, Concetti thực hiện dự án của Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển về đấu thầu, làm cơ sở hình thành Luật Đấu thầu sau này.

Và rồi trong hoàn cảnh nghề tư vấn chưa chưa có tên trong bảng phân loại kinh tế quốc dân, ông Tiến, ông Anh và một nhóm những người đi đầu trong nghề tư vấn đã cố gắng góp phần phát triển năng lực tư vấn ở Việt Nam mà thành công đáng chú ý nhất là Nghị định 87 ban hành năm 2002.

“Lúc bấy giờ, nghề tư vấn trên thế giới đã hoàn thiện và rất phát triển. Những chuyên gia hàng đầu quốc tế đến từ Anh được mời sang Việt Nam đào tạo, hình thành một loạt đề tài cho các viện, các trường. Có như vậy mới có thể cho xã hội thấy nghề này là rất nghiêm túc, không như xã hội lúc đó nghĩ”, ông Tiến cho biết.

Kể từ đó, nghề tư vấn đã chính thức được chính danh và ngày càng đi sâu hơn vào các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Đáng chú ý, Concetti đã nghiên cứu, soạn thảo gửi các cơ quan nhà nước có liên quan và sau đó đã được Chính phủ xem xét và ban hành 2 nghị định về thể chế quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA).

“Concetti cùng với chúng tôi đưa ra các định hướng mới về ODA, có thể dùng để hỗ trợ khu vực tư nhân. Lúc đầu ý kiến này bị bác bỏ nhưng dần dần các nhà làm chính sách nhận ra rằng ODA có thể là một chất xúc tác để huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân.” Ông Dương Đức Ưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ Kế hoạch và đầu tư, cố vấn chính sách cao cấp của Chương trình Nâng cao năng lực toàn diện quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho biết.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Tiến cho biết không thể quên được những ngày tháng đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ, Tổ tư vấn của Thủ tướng, các cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu xây dựng luận cứ, soạn thảo các văn bản pháp quy liên quan đến tư vấn, thu hút quản lý sử dụng và quy hoạch vốn ODA, tổ chức hoạt động, đánh giá tác động đầu tư. Các buổi hội thảo, tranh luận đầy căng thẳng với nhiều quan điểm thảo luận khác nhau được đưa ra.

“Chúng tôi không quên được những khoảng thời gian thực hiện hàng trăm dự án, điều tra xây dựng nghiên cứu báo cáo khả thi, báo cáo thị trường, các dự án nâng cao năng lực xoá đói giảm nghèo, phát triển thương hiệu cho nhiều đặc sản địa phương.

Không thể quên những lúc lăn lộn, vật lộn với những con số báo cáo để có được niềm vui khôn tả khi các dự án được hoàn thiện. Niềm vui được nhân lên khi chính người dân Việt Nam cũng được hưởng thành quả của các dự án đó”, ông Tiến chia sẻ.

Khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo ở thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, ông Tiến và các cộng sự tiếp tục nhận ra các vấn đề quản trị đang rất yếu kém và trở nên cấp bách. Lúc này, việc tư vấn không chỉ tập trung vào đầu tư, chính sách mà còn là tư vấn về quản trị doanh nghiệp.

“Lúc đó, chúng tôi có một mong muốn cháy bỏng là truyền bá kiến thức về quản lý, quản trị và xây dựng một nền quản trị tốt hơn cho doanh nghiệp”, vị Chủ tịch Concetti bồi hồi nhớ lại.

Thời gian ngắn sau đó, vào tháng 7/2007, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) đã chính thức được ra đời, ông Hàn Mạnh Tiến làm Chủ tịch Hội. Sau 10 năm hoạt động, hiện VACD có hơn 2000 thành viên, 3 câu lạc bộ giám đốc tài chính, nhân sự, sales và marketing cùng tạp chí điện tử. Bình quân 2-3 ngày lại có một sự kiện do VACD và các đơn vị thành viên thực hiện với mục tiêu nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh, kết nối và chia sẻ các kinh nghiệm và giá trị trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà quản trị.

Giờ đây, các lĩnh vực tư vấn ở Việt Nam đã trở nên rõ ràng và chuyên nghiệp hơn nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động tương tự mô hình của thế giới với các mảng khác nhau như tư vấn luật, các vấn đề quản lý, quản trị, tư vấn chính sách và phát triển, tư vấn xây dựng…

Nhờ các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian, đặc biệt trong việc khảo sát thị trường; đặc biệt là các doanh nghiệp hiện nay đã xem hoạt động tư vấn trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, luật pháp... là vô cùng cần thiết.

Nói về tiêu chí nghề, ông Tiến cho rằng không phải ai cũng có thể làm được nghề tư vấn. Một nhà tư vấn chuyên nghiệp trước hết cần phải là một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Họ cũng cần có các kỹ năng cơ bản như thuyết trình, phân tích, đánh giá… Đặc biệt, đạo đức nghề nghiệp cần được đặt lên hàng đầu khi làm tư vấn, chọn việc đúng để đi tư vấn trước khi làm đúng việc.

“Làm nghề nào cũng cần có cái tâm, nhưng trong nghề tư vấn, cái tâm là yếu tố cốt lõi. Cần phải trung thực, độc lập và khách quan bởi một nguồn lợi nhỏ trước mắt của người tư vấn có thể gián tiếp đẩy khách hàng vào ngõ cụt”, ông Anh nhấn mạnh.

Sau hơn 30 năm kể từ khi chỉ là một trung tâm tư vấn thuộc bộ nửa nhà nước, tư vấn đào tạo quản lý với ý tưởng của những con người chọn cho mình một hướng đi riêng, nền kinh tế Việt Nam giờ đây đã có chính danh nghề tư vấn, hoạt động tư vấn chuyên nghiệp đã được đi song hành trong quá trình phát triển kinh tế.

Concetti vừa làm lễ kỷ niệm năm hoạt động thứ 30 của mình. Tại đó các đồng sự gắn bó với nghề tư vấn liên tục 30 năm qua cùng các đối tác đồng hành của Concetti đã có những giấy phút gặp mặt nồng ấm, chia vui trong sự bồi hồi khó quên.

“Chúng tôi cũng luôn có sai lầm nhưng phải biết được con đường mình đi nó như thế nào và cần phải có phẩm chất chân chính như thế nào để luôn sửa chữa sai lầm và đi đúng con đường đã chọn” ông Tiến, ông Anh và các đồng sự của mình đã rút ra được một triết lý tưởng chừng hết sức giản đơn nhưng kỳ thực là cả một chặng đường 30 năm.

Trên con đường ấy, những người làm nghề tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhìn nhận, nếu độc bước sẽ không thể làm nên đại sự. Họ đã đi cùng nhau từ những người xa lạ đến đồng sự, đồng chí và rồi trở thành những người anh em, đồng hành cùng nhau cho đến thời điểm bây giờ khi nghề tư vấn đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và đi sâu vào từng lĩnh vực kinh tế.

Thực hiện: Đặng Hoa
(TheLeader)