THÔNG MINH - TẬN TÌNH - TRUNG THỰC
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI !

Đối tác


UNDP Việt Nam

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
304 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 4) 38 500100
Fax: (84-4) 37265520
registry.vn@undp.org

Giới thiệu


UNDP tại Việt Nam giúp Chính phủ phát huy những thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong hai thập kỷ qua, đồng thời giải quyết những thách thức mới nảy sinh mà Việt Nam đang phải đối mặt ngày hôm nay với vị thế là nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam giờ đây cần được tiếp cận những tập quán, kinh nghiệm thực tiễn hay và những ý kiến tư vấn chính sách có chất lượng cao về việc làm thế nào đối phó với một loạt thách thức cấp bách trước mắt chủ yếu về tăng trưởng công bằng và hòa đồng nhằm giải quyết những bất bình đẳng và chênh lệch đang gia tăng trong xã hội, về công tác quản trị quốc gia và sự tham gia của người dân nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các quyền con người và khả năng tiếp cận công lý cũng như về phát triển bền vững nhằm trả lời các câu hỏi mới đặt ra về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Các dự án của UNDP tại Việt Nam, được thực hiện trong khuôn khổ Kế hoạch chung của một LHQ giai đoạn 2012-2016 theo định hướng gắn với kết quả, trực tiếp sử dụng những lợi thế so sánh của chúng tôi với tư cách là một mạng lưới toàn cầu nằm trong hệ thống LHQ nói chung.

Các dự án của chúng tôi đề cao cam kết chung của Chính phủ và UNDP, dựa trên nền tảng của Thỏa thuận Cơ bản chuẩn về Hỗ trợ phát triển được ký kết vào năm 1979, là kết hợp việc hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu với cách tiếp cận phát triển con người phục vụ cho lợi ích của mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.

Các mục tiêu phát triển của UNDP tại Việt Nam là gì?

Kế hoạch chung của một LHQ giai đoạn 2012-2016, đánh dấu thế hệ thứ hai của Sáng kiến Thống nhất hành động (DaO), được xây dựng nhằm đáp ứng các nhu cầu của Việt Nam với vị thế là nước có mức thu nhập trung bình.

Nằm trong khuôn khổ của Kế hoạch chung và trên cơ sở phối hợp với các đối tác khác trong LHQ, UNDP hướng tới mục tiêu thúc đẩy và hỗ trợ hiệu quả hơn cho quá trình phát triển công bằng, hòa đồng và gắn với các quyền con người ở Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu của Chính phủ về hỗ trợ chính sách chất lượng cao nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và các ưu tiên của quốc gia được đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.   

Quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và UNDP hướng tới thực hiện các MDG và các mục tiêu phát triển riêng của Việt Nam. Các lĩnh vực hỗ trợ chính của chúng tôi bao gồm: 1) Tăng trưởng công bằng và hòa đồng, 2) Quản trị quốc gia và sự tham gia của người dân, 3) Phát triển bền vững .
UNDP tại Việt Nam cũng đang phối hợp với các đối tác khác trong LHQ xây dựng Chương trình Phát triển sau năm 2015 trên cơ sở tham vấn rộng rãi các thành phần dân cư trong xã hội Việt Nam.

Đã đạt được những kết quả gì trong thời gian qua?

Trong năm 2010, Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình sau giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và giảm tổng tỷ lệ nghèo từ 58% xuống 14% trong giai đoạn 1993 - 2008 và ước tính còn 11,8% trong năm 2011.

Với sự hỗ trợ của LHQ và các đối tác phát triển khác, Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các MDG ở cấp quốc gia trước thời hạn 2015, trong đó đặc biệt ấn tượng là những kết quả thực hiện MDG 1 về xóa đói giảm nghèo. Các cơ quan/tổ chức quốc gia của Việt Nam giờ đây có nhiều kinh nghiệm hơn và trưởng thành hơn sau hai thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới và Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các tổ chức/định chế khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, giờ đây Việt Nam cần đạt được tăng trưởng có chất lượng và bền vững, đồng thời đảm bảo cân đối hơn giữa các kết quả phát triển kinh tế, phát triển con người và phát triển bền vững. Hiện nay, UNDP đang giúp Chính phủ và nhân dân Việt Nam giải quyết những thách thức này và là đối tác thực hiện tăng trưởng hòa đồng dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt, chúng tôi đang tranh thủ những lợi thế so sánh của mình ở các lĩnh vực hỗ trợ chính nhằm xây dựng một tương lai mang tính hòa đồng, bền vững và công bằng hơn cho nhân dân Việt Nam.

Việt Nam đã được thế giới ghi nhận về những thành tựu hết sức ngoạn mục trong lĩnh vực tăng trưởng hòa đồng và công bằng. Tuy nhiên, trong năm 2012, còn tồn tại những cụm nghèo với một nửa đồng bào dân tộc thiểu số vẫn sống dưới chuẩn nghèo và bị tụt hậu so với kết quả thực hiện các MDG trung bình ở cấp quốc gia.

UNDP đang giúp Việt Nam xây dựng và thực hiện các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo và trợ giúp xã hội dành cho những người nghèo nhất trong xã hội, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số.  

Ngoài ra, còn có những kết quả hỗ trợ quan trọng khác của UNDP được các đối tác ghi nhận như xây dựng Chiến lược Phát triển thống kê của Việt Nam,   sửa đổi Luật Thống kê năm 2003 hiện đang tiến hành, xây dựng các Báo cáo MDG Quốc gia có chất lượng và thiết lập Diễn đàn Chính sách dân tộc thểu số vào năm 2012 nhằm đưa các dân tộc này cùng hòa vào những nỗ lực xóa đói giảm nghèo chung của đất nước.

Về lĩnh vực quản trị nhà nước, UNDP Việt Nam đã xây dựng thành công các biện pháp can thiệp với mục tiêu đối tượng cụ thể để hỗ trợ cho hệ thống dịch vụ công, các cơ quan xây dựng luật và thực thi luật cũng như cho việc phát triển xã hội dân sự, đấu tranh chống tham nhũng và thực hiện các quyền con người nhằm đảm bảo cho hệ thống quản trị quốc gia theo kịp tốc độ phát triển kinh tế cao của đất nước.

Những dự án do quốc gia điều hành này được xây dựng trên ba trụ cột chính của chúng tôi về quản trị quốc gia: phát triển quốc hội, pháp quyền và tiếp cận công lý, cải cách hành chính công và bốn vấn đề xuyên suốt là quyền con người, xã hội dân sự, chống tham nhũng và trao quyền cho phụ nữ.

Là cơ quan tư vấn chính sách trong lĩnh vực quản trị nhà nước, UNDP Việt Nam có ảnh hưởng tích cực đối với kết quả hoạch định chính sách trên diện rộng. Có thể thấy rõ điều này qua tác động từ sáng kiến của UNDP về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Sáng kiến này đã cung cấp cho chính quyền cấp trung ương và cấp tỉnh thực chứng về những gì đã phát huy tác dụng, những gì chưa phát huy tác dụng và những gì cần được cải thiện trong sáu mảng chính của quản trị nhà nước, đó là sự tham gia ở cấp địa phương, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình theo ngành dọc, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công và cung cấp dịch vụ công.

Trong lĩnh vực phát triển bền vững, những nguy cơ mới nảy sinh như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường đang đe dọa ảnh hưởng tới tính bền vững của quá trình phát triển ở Việt Nam.

UNDP tại Việt Nam đã nhanh chóng xác định những nguy cơ này và xây dựng những giải pháp cụ thể phù hợp trong các lĩnh vực hỗ trợ chính bao gồm biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, REDD+, hiệu suất sử dụng năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và quản lý môi trường, và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Là cơ quan quốc tế đi đầu trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý thiên tai ở Việt Nam kể từ đầu thập kỷ 90, hiện nay UNDP đang vạch ra con đường để Chính phủ có thể giải quyết những thách thức mới này một cách bền vững, đồng thời đạt được các MDG và các mục tiêu phát triển của đất nước.

Trao quyền cho phụ nữ mới đây cũng được coi là một trong những lĩnh vực hỗ trợ chính, qua đó UNDP đang phấn đấu lồng ghép bình đẳng giới vào một loạt lĩnh vực. Đã đạt được những kết quả đầy hứa hẹn ở rất nhiều lĩnh vực, kể cả việc giúp cho phụ nữ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong khu vực công, trong lĩnh vực quyền sử dụng đất, UN-REDD, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cùng với việc lồng ghép giới trong công tác quản trị môi trường. Việc triển khai những sáng kiến này sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam được tham gia đóng góp ý kiến nhiều hơn cho tương lai của chính mình và cho quá trình phát triển của đất nước.




Đối tác


Album ảnh