Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nông sản vẫn còn nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp của cơ quan nhà nước, địa phương và nhà sản xuất để chung tay tháo gỡ.
Nhiều thách thức khi xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp
(Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Bà Lê Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, đã có những nhận định chi tiết, đồng thời đề xuất một số giải pháp vận dụng quyền sở hữu trí tuệ trong ngành nông nghiệp.

Ba hình thức bảo hộ nhãn hiệu chính trong nông nghiệp

Có tương đối nhiều hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp: từ bảo hộ giống cây trồng mới, đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý với những nông sản nổi tiếng, đặc trưng cho một vùng miền nào đó.

Tuy vậy, do danh tiếng của các sản phẩm nông nghiệp thường gắn liền với địa danh và nguồn gốc sản phẩm, các địa phương thường quan tâm đến 3 hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ chính: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.

Cụ thể, nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu giúp khách hàng phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các thành viên trong tổ chức này với hàng hóa, dịch vụ do thành viên của tổ chức khác.

Chương trình kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nông nghiệp và thực phẩm với các doanh nghiệp đầu chuỗi, thu mua hàng nông sản bên lề Hội thảo "Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam” ngày 12/8/2022.

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Và, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Theo số liệu của Cục sở hữu trí tuệ, trong 3 hình thức này, hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể là hình thức được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ nhiều nhất với tổng thể 1767 đơn đăng ký và 1429 văn bằng bảo hộ đã được cấp, tính đến 25/7/2022. Trong khi đó, cùng thời điểm, nhãn hiệu chứng nhận là hình thức được đăng ký và bảo hộ nhiều thứ hai với 591 đơn đăng ký với 482 văn bằng bảo hộ được cấp. Và cuối cùng, chỉ dẫn địa lý là hình thức bảo hộ có số đơn khiêm tốn nhất với 141 đơn đăng ký và 116 văn bằng bảo hộ được cấp. 

Có thể thấy số đơn đăng ký các nhãn hiệu cộng đồng và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tương đối lớn và đang tăng lên. Cụ thể, đơn đăng ký nhãn hiệu ngành nông nghiệp nói chung đạt tới 16,9% tổng số đơn đăng ký nhãn hiệu, chỉ đứng thứ 3 sau hai ngành sức khỏe (23,22%) và dịch vụ kinh doanh (16,24%). Tương tự, số đơn đăng ký và văn bằng chỉ dẫn địa lý đã tăng lên rõ rệt. Năm 2001,Việt Nam chỉ có tất cả 2 văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được cấp, nhưng đến năm 2020, con số này đã đạt 22 văn bằng.

Tăng số lượng có đi kèm với tăng chất lượng?

Mặc dù số lượng ngày càng tăng của các đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp là một tín hiệu rất đáng mừng, nhưng câu chuyện tận dụng những văn bằng này để tăng giá trị nông sản và nâng cao chất lượng đời sống người nông dân mới là điều đáng quan tâm.

Theo bà Thu, với những hiểu biết còn tương đối thiếu và yếu về sở hữu trí tuệ, nhiều cơ quan chức năng, địa phương và nhà sản xuất đã vận dụng chưa thật sự thành công quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Về phía địa phương

Nhiều địa phương còn chưa xác định được đúng các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, chưa gắn liền với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Hệ lụy của nó là tình trạng các sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ không được đón nhận, gây ra tình trạng thiếu cầu, dư cung, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Ngoài việc “chọn sai” sản phẩm, các địa phương còn chọn chưa đúng hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, dẫn đến việc tốn thời gian, công sức và tiền bạc để đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Còn trong sản xuất, một số địa phương mới chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, ít sản phẩm chế biến. Đây không phải là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, có thời gian bảo quản ngắn, do đó thường có giá trị gia tăng thấp.

Trong quản lý chất lượng, nhiều địa phương mới chỉ tập trung vào khâu đăng ký sở hữu trí tuệ cho nông sản mà chưa dành đủ thời gian, nguồn lực vào việc nâng cao quy mô, giá trị và kiểm soát chất lượng của nông sản. Cán bộ quản lý các dự án này thường là những cán bộ kiêm nhiệm mà chưa hẳn đã có chuyên môn cao về sở hữu trí tuệ hoặc nông nghiệp.

Vì lẽ đó, sau khi được bảo hộ, nhiều nông sản gặp khó khăn trong việc quảng bá và tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn và nâng cao giá trị sản phẩm.

Về phía chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể

Các chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội làm vườn… vẫn chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu do không có chức năng kinh doanh, khiến cho kỹ năng về xúc tiến thương mại, xây dựng liên kết, hợp tác tiêu thụ còn yếu.

Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể như hợp tác xã chỉ được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án, nhưng khi dự án kết thúc, thì hoạt động rất cầm chừng. Còn những HTX đã thành lập từ trước lại hoạt động rộng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khiến cho nguồn lực của họ bị phân tán. Kinh nghiệm tham gia quản lý và thương mại còn hạn chế cũng là điểm yếu của nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể.

Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận

Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận chủ yếu là các cơ quan nhà nước như Sở Khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đây là những đơn vị còn thiếu chức năng và năng lực về chứng nhận nông sản. Hiện tại, các cơ quan nhà nước vẫn chưa có sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và mối quan hệ dân sự theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, các dự án nhãn hiệu chứng nhận thường không chủ động được về nguồn lực để thực hiện việc quản lý và phát triển.

Quản lý chất lượng nông sản

Ngoài những thách thức đối với địa phương và các chủ sở hữu nhãn hiệu cộng đồng, hoạt động quản lý chất lượng nông sản vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, trong những dự án đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quy trình lấy mẫu nông sản vẫn còn ngắn hoặc chưa mang tính đại diện của toàn bộ khu vực địa lý, khiến chất lượng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận không ổn định hoặc thay đổi xa rời với những tiêu chuẩn được chứng nhận.

Ngoài, sau khi đăng ký thành công các nhãn hiệu cộng đồng, thay vì bám sát những quy chế kiểm soát chất lượng, một số người dân lại mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng các chế phẩm tăng năng suất hoặc sử dụng hóa chất, chạy theo lợi nhuận, làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.

Giải pháp đề xuất

Để giải quyết tình trạng này, bà Thu cho rằng, các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên những quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Đặc biệt, những cơ quan này cần quy định về quản lý, kiểm soát về các nhãn hiệu chung cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù.

Bà Lê Minh Thu phát biểu tại Hội thảo và Kết nối kinh doanh:
"Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam” ngày 12/8/2022.

Không chỉ vậy, các cơ quan cần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đặc biệt là cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nói riêng để nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời triển khai các nội dung của các chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả.

Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần nâng cao khả năng quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu trên thị trường; phát triển nguồn lực và thời gian tham gia dự án nhằm tăng cường hỗ trợ giai đoạn quản lý cũng như thúc đẩy hoạt động quảng bá, thương mại cho sản phẩm.

Cần gắn những dự án bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp với các chương trình như: Nông thôn mới, OCOP, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ… để hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển một cách bền vững và mạnh mẽ nhất.

Chính quyền địa phương nên chú ý lựa chọn sản phẩm đăng ký và hình thức bảo hộ phù hợp. Những sản phẩm này vừa phải đồng thời có được sự đồng thuận của cộng đồng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường, có tiềm năng lợi thế để xuất khẩu. Đồng thời, các địa phương nên tăng cường sản xuất và đăng ký bảo hộ các sản phẩm cuối cùng để có thể kéo dài thời gian sử dụng và nâng tầm giá trị sản phẩm. 

Các nhà sản xuất, kinh doanh cần xây dựng và phát triển thương hiệu dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ. Đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Đây chính là lời hứa, là cam kết của nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng, giúp cho sản phẩm được ưu tiên lựa chọn và tin tưởng.

Cùng với đó, các nhà sản xuất kinh doanh cần đảm bảo giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thường xuyên trao đổi kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất và thúc đẩy việc hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa những sản phẩm cuối cùng ra thị trường.

Các nhà kinh doanh nông sản nên chú ý gắn nhãn mác hay thương hiệu sản phẩm địa phương, vùng miền và quốc gia, đồng thời tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, tránh bán hàng thô, hàng nguyên liệu để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, giúp giải quyết các sản phẩm tồn đọng, tránh hiện tượng “được mùa thì rớt giá” rất phổ biến trên thị trường nông sản Việt.

Theo Hoàng Hương
Tạp chí The Leader