Việc Thông tư 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu mọi tổ chức không có tư cách pháp nhân phải đóng tài khoản để chuyển sang giao dịch dưới danh nghĩa cá nhân là minh chứng cho những cách hiểu khác nhau đối với quy định mới về chủ thể trong BLDS 2015. Do đó, cần có những trao đổi công khai và toàn diện hơn về vấn đề này.

Chủ thể pháp luật dân sự là gì?

Trong tư pháp (pháp luật dân sự), chủ thể đầu tiên và quan trọng nhất luôn luôn là “con người tự nhiên” hay các cá nhân. Nhiệm vụ của pháp luật không chỉ là bảo vệ lợi ích của bản thân cá nhân khi là chủ thể mà còn, và quan trọng hơn, là lợi ích của những người khác giao dịch với nó. Đáng lưu ý mỗi cá nhân khi đi vào pháp luật không phải lúc nào cũng có đầy đủ các quyền năng của một chủ thể, tức các quyền hay tư cách chủ thể có thể được phân thành nhiều cấp độ. Ví dụ, một đứa trẻ khi ra đời đã ngay lập tức là chủ thể pháp luật, tức có các quyền và nghĩa vụ, tuy nhiên do chưa có khả năng quyết định độc lập, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của nó bị giới hạn và có điều kiện như phải được đại diện thông qua cha mẹ hay người giám hộ. Tư cách chủ thể của một đứa trẻ sẽ hoàn thiện khi nó trưởng thành.

Với sự phát triển của đời sống, khái niệm “chủ thể pháp luật” trở nên phức tạp hơn, từ con người cá nhân ban đầu được mở rộng ra các đối tượng khác liên quan đến con người. Đó là các đơn vị xã hội được gọi là “tổ chức” do con người lập nên, thậm chí cả các con vật nuôi có nhu cầu được bảo vệ. Trong thời đại công nghệ số, chủ thể pháp luật đang được xem xét mở rộng ra cả các thực thể kỹ thuật phi con người như người máy (robot) có trí tuệ nhân tạo...

Trong bối cảnh đó, vấn đề cần bàn không nên xoay quanh các định nghĩa hay khái niệm truyền thống về chủ thể pháp luật, mà quan trọng là làm sao để pháp luật có thể bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích của con người khi tương tác với nhau và với các đối tượng khác. Để làm được điều đó, mỗi người khi giao dịch cần không được nhầm lẫn, tức biết rõ đối tác của mình là ai, các quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm giữa mình và đối tác là gì và các hệ quả pháp lý nếu phát sinh vi phạm, tranh chấp.

Pháp nhân ra đời thế nào và tại sao cần đến nó?

Pháp nhân (tiếng Hán) hay juridical person (tiếng Anh) là “con người” được pháp luật tạo ra. Khởi thủy, con người có nhu cầu cùng phối hợp để làm một việc gì đó và khi đó, họ thiết lập những “cái chung” như mục tiêu, tài sản và hành động chung. Cái chung này tạo nên chất lượng mới, khác với cái cá nhân ban đầu và được gọi là “tổ chức”. Tổ chức có dạng đơn sơ như hội, nhóm, diễn đàn, câu lạc bộ với một số thành viên hữu hạn, cho đến các cấu trúc phức tạp như công ty, hiệp hội nghề nghiệp, trường đại học với số lượng thành viên lên tới hàng trăm, hàng ngàn hay thậm chí cả triệu người. Pháp luật nói chung không hạn chế các dạng thức tổ chức mà con người có thể sáng tạo ra. Trên nền tảng các tổ chức được hình thành, pháp luật đã tạo ra một cách thức để phân loại các cấp độ tổ chức, tức “pháp nhân”. Mục đích của việc này nhằm trước hết bảo vệ những người giao dịch với đối tượng không rõ ràng là “tổ chức” qua việc cung cấp thông tin minh bạch rằng họ đang giao dịch với ai và hệ quả pháp lý là gì.

Bởi thế, pháp luật các nước đặt vấn đề đơn giản bằng cách đưa ra cách thức để người dân lựa chọn: các tổ chức không cần đăng ký công khai, có tính khép kín nội bộ như nhóm, hội, câu lạc bộ; và tổ chức được đăng ký công khai như công ty, hiệp hội, trường đại học... Đăng ký công khai là ghi tên một tổ chức vào danh bạ của tòa án hay cơ quan có thẩm quyền, kèm theo công bố điều lệ và thông tin cơ bản như loại hình, mục tiêu, người đại diện, tài sản để công nhận tổ chức đó là pháp nhân. Ở nhiều nước, khi đăng ký, một ký hiệu riêng còn được gắn với tên tổ chức để mọi người dễ dàng nhận diện. Điểm phân biệt cơ bản từ góc độ một người giao dịch với tổ chức là: nếu là pháp nhân, anh có thể yên tâm rằng chủ thể đó vẫn tồn tại nguyên vẹn khi người đại diện hay sở hữu tổ chức đó thay đổi hoặc chết; trong khi đối với một tổ chức không phải là pháp nhân, các quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó có thể thay đổi nếu có sự thay đổi của người đại diện hoặc các thành viên tùy thuộc vào thỏa thuận của họ khi thành lập tổ chức này. Việc liên đới chịu trách nhiệm của các thành viên (được gọi là trách nhiệm vô hạn) khi tổ chức bị yêu cầu trả nợ cũng là một yếu tố nữa để phân biệt; tuy nhiên điều kiện này không căn bản ở chỗ đối với một tổ chức không là pháp nhân, các thành viên vẫn có thể thỏa thuận với nhau về loại trừ hay giới hạn trách nhiệm của họ.

Sự dị biệt, không rõ ràng trong pháp luật Việt Nam và hậu quả

Tư duy pháp lý nhiều năm qua ở Việt Nam luôn luôn bắt đầu từ quản lý nhà nước và do đó, việc xác định một tổ chức là pháp nhân cũng trước hết nhằm mục tiêu này. Bởi thế, mặc dù trong các BLDS từ năm 1995 tới nay đều có định nghĩa về pháp nhân (và định nghĩa này cơ bản tương thích với thông lệ chung), nhưng một tổ chức muốn là pháp nhân vẫn phải có thủ tục công nhận. Trong khi các BLDS đều không quy định cụ thể về thủ tục ấy, trên thực tế xảy ra hai tình huống: một tổ chức sẽ được xác định là pháp nhân theo quy định cụ thể của một văn bản pháp luật hoặc được ghi trong một văn bản hành chính(*). Do mục đích công nhận pháp nhân không rõ ràng, cho nên cũng là doanh nghiệp một chủ sở hữu nhưng công ty TNHH một thành viên được Luật Doanh nghiệp xác định là pháp nhân, trong khi doanh nghiệp tư nhân với các đặc tính về tổ chức, tài sản và hoạt động tương tự thì lại không.

Tuy nhiên, xét từ góc độ chủ thể pháp luật, trên thực tế hầu như tất cả các văn bản pháp luật, bao gồm cả Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đều có đối tượng điều chỉnh khá rộng, được ghi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân và chủ thể khác. Do đó, bên cạnh cá nhân, bất cứ tổ chức nào được thành lập và đăng ký hợp pháp, có tên gọi và con dấu riêng đều được coi là chủ thể pháp lý, không phụ thuộc vào việc có hay không tư cách pháp nhân.

Vấn đề rắc rối nảy sinh bởi BLDS 2015 đã đi xa hơn bằng cách quy định đối tượng điều chỉnh theo hướng thu hẹp chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân (điều 1) và xác định rằng, nếu một tổ chức không có tư cách pháp nhân mà tham gia một giao dịch thì chủ thể tham gia giao dịch sẽ là thành viên của nó, tức cá nhân (điều 101). Hệ quả pháp lý kéo theo là các rủi ro. Chẳng hạn, với một doanh nghiệp tư nhân hay văn phòng luật sư được đăng ký hợp pháp nhưng lại không được quy định là pháp nhân, nếu ký một hợp đồng dưới danh nghĩa tổ chức như thường lệ thì theo BLDS 2015, hợp đồng đó sẽ có nguy cơ bị tòa án tuyên bố vô hiệu do “thiếu năng lực chủ thể”. Thực chất vì thế, để phòng ngừa rủi ro cho các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 32/2016 gây tranh cãi nói trên.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, quy định mới về chủ thể của BLDS 2015 đã “vênh” với tất cả các văn bản luật còn lại và gây khó cho cả doanh nghiệp và một số cơ quan nhà nước. Chẳng hạn, cơ quan thuế khó chấp nhận một báo cáo tài chính do đơn vị là tổ chức nộp lên với số liệu tiền lấy từ tài khoản cá nhân; hay khách hàng của các tổ chức có liên quan cũng khó đồng ý với điều này.

Tóm lại, trên một nền tảng chung đã tồn tại nhiều năm của pháp luật hiện hành với sự chấp nhận nhiều đối tượng khác nhau là chủ thể, việc thay đổi cách tiếp cận theo hướng cắt gọn có phần máy móc của BLDS 2015 trong phương diện này, đặc biệt lại được tiến hành đơn lẻ, thiếu tính tổng thể và đồng bộ, đã vô tình tạo ra các hệ lụy không đáng có cho đời sống xã hội nói chung và việc thực thi pháp luật nói riêng. Để hội nhập với quốc tế, cải cách pháp luật dù nhỏ cũng cần một quá trình bài bản với nhận thức và tư duy mới. Tuy nhiên, không thể chậm trễ hơn, để làm giảm bớt các tác động tiêu cực trước mắt đối với người dân và doanh nghiệp từ các quy định pháp luật mới này, các cơ quan chức năng của cả ba hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp cần sớm vào cuộc để có giải pháp thực tế xử lý vấn đề nêu trên.

(*) Từng có một ban quản lý dự án vốn không có tư cách pháp nhân, tuy nhiên trong quyết định của một bộ khi thành lập lại ghi là pháp nhân,
do đó tư cách chủ thể pháp lý độc lập của cơ quan này đã được tòa án công nhận.

Nguồn: LS Nguyễn Tiến Lập
TBKT Sài Gòn