Sau 03 năm thi hành, Nghị định 05/2015/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả người lao động. Do đó, Chính Phủ hiện đang lấy ý kiến nhân dân về nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP với một số điểm mới cơ bản sau đây:

a) Bổ sung nội dung về hợp đồng lao động theo hướng mở rộng quyền tự do thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động khi có thể thỏa thuận nội dung về nâng bậc, nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trang bị bảo hộ lao động theo quy định của nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của người sử dụng lao động. Quy định mới này đảm bảo được nguyên tắc tự nguyện, tự do giao kết hợp đồng lao động theo Điều 17 của Bộ luật Lao động, đồng thời tạo tính linh hoạt cho người sử dụng trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng lao động đối với người lao động.

b) Về thời gian tính trợ cấp thôi việc, sửa đổi theo hướng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động không bao gồm: thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động.

c) Cho phép người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động được quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với tất cả các hình thức, nhằm xử lý linh hoạt và dứt điểm, tránh kéo dài các vụ việc xử lý kỷ luật lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất kinh doanh.

d) Quy định trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động rút gọn hơn đối với trường hợp xử lý kỷ luật lao động sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm nhằm khắc phục những điểm hạn chế, vướng mắc trong quá trình áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đổi với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người sử dụng lao động.

Lê Thắng.