Từ thương hiệu nước ngọt Đức…

Năm 1990, khi 2 miền Đông - Tây Đức được thông nhất, nền kinh tế phía Đông nước Đức trước đó là một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp đã chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường với tính cạnh tranh cao. Các thương hiệu miền Đông lúc đó đã phải chật vật để tồn tại, vừa bị “cắt tài trợ” từ nhà nước, lại vừa phải cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ.


Vita-Cola là một thức uống có ga khá phổ biến ở CHDC Đức trước kia.

Vita-Cola lần đầu được ra mắt vào năm 1957 và được giới thiệu là Thức uống có ga vị hoa quả và thảo mộc (Brauselimonade mit Frucht- und Kräutergeschmack). Vita-Cola được quảng cáo là “Có công thức bí mật” (thực tế là tương tự công thức của Coca-Cola quyện nước chanh). Thời kỳ dỉnh cao, Vita-Cola có hơn 200 nhà máy quốc doanh.

Sau khi nước Đức thống nhất, Vita-Cola bị áp đảo bởi các thương hiệu Tây Phương và gần như bị xóa sổ. Nhưng đến năm 1994, công ty Thüringer Waldquell tại Schmalkalden, Thüringen đã xác lập quyền kinh doanh, sở hữu công nghiệp và sở hữu công thức của Vita-Cola từ các công ty nhà nước cũ bị tư nhân hóa và tiến hành tiếp tục sản xuất.

Bằng các biện pháp kinh doanh hợp lý, tăng cường quảng cáo một cách hợp lý, phù hợp thị hiếu khách hàng cùng với các chính sách chăm sóc khách hàng, khuyến mãi tốt, thương hiệu Vita-Cola đã trở lại mạnh mẽ. Tại các bang miền Đông cũ, Vita-Cola là một thương hiệu vô cùng nổi tiếng nên sau khi quay lại thị trường, Vita-Cola đã vượt mặt Pepsi-Cola và ngang ngửa Coca-Cola. Thậm chí tại Thüringen, Vita-Cola còn vượt qua Coca-Cola, trở thành thương hiệu nước giải khát có ga đứng đầu.

…Đến thương hiệu nước ngọt Việt Nam.

Tại Việt Nam, sau khi tiến hành Đổi mới nền kinh tế vào năm 1986, các doanh nghiệp nước giải khát nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam.

Thị trường đồ uống và các loại nước giải khát từ lâu vốn được xem là mảnh đất màu mỡ cho nhiều “đại gia” tung hoành ở Việt Nam. Một số nhãn hiệu đình đám phải kể đến gồm Coca-Cola, Pepsi, Tribeco, Tân Hiệp Phát, URC, Wonderfarm... Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, Pepsi và Coca Cola đang gần như thống lĩnh thị trường đồ uống do thương hiệu sẵn có danh tiếng cùng truyền thống lâu đời.

Mặt khác, các thương hiệu Việt gần như đuối sức do chính sách kinh doanh không theo kịp đối thủ. Các chính sách bán hành, khuyến mại và chăm sóc khách hàng của các thương hiệu Việt thường không thể cạnh tranh được với Coca-Cola hay Pepsi.

Ví dụ: Các nhà hàng, cửa hàng hay đại lý khi ký hợp đồng với Pepsi hay Coca-Cola thì được cung cấp cho tủ lạnh, thậm chí là bàn ghế, áp phích… Điều này các doanh nghiệp Việt còn kém xa.

Thị trường đồ uống tại Việt Nam chưa có nhiều hãng nội địa nổi bật lên, phần nhiều là do nhân lực và khả năng tài chính các công ty giải khát trong nước còn yếu. Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, để thương hiệu Việt có tên trên thị trường đồ uống thì các hãng nội cần tìm một phân khúc khác biệt, đồng thời phải có chiến lược phát triển thương hiệu đúng đắn.

Vũ Việt Hoàng tổng hợp