Trong thời gian gần đây, vụ kiện giữa Vinasun và Grab đã gây chấn động dư luận. Đây cũng là nơi các cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí tham gia khai thác với rất nhiều ý kiến trái chiều.

1. Sơ lược về nội dung vụ tranh chấp

Sáng 17-10, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.

Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Quyết định 24 ngày 7-1-2016 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.

Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng trên thực tế đơn vị này cung cấp dịch vụ vận tải và hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Đặc biệt, Grab còn thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun.

Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, Vinasun đã bị thiệt hại gần 76 tỉ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỉ đồng. Do đó, phía Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường số tiền này ngay sau khi bản án có hiệu lực.

Phía Grab cho rằng họ có vi phạm pháp luật hay không, có làm đúng Đề án 24 hay không... thì Bộ GTVT mới là cơ quan có thẩm quyền xử lý. Và việc này Vinasun chưa cung cấp được bằng chứng.

Nếu cho rằng hoạt động của Grab gây thiệt hại, Vinasun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng GTVT hoặc khiếu kiện hành chính, chứ không phải vụ kiện này.

Bị đơn cũng phản bác quan điểm cho rằng Grab vi phạm về cạnh tranh, khuyến mại tràn lan… Bởi nếu có, Bộ Công thương đã phạt họ.

Đối với số tiền thiệt hại Vinasun yêu cầu bồi thường, Grab cho rằng nguyên đơn dựa trên báo cáo nghiên cứu thị trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận nên không được coi là căn cứ để xác định thiệt hại.

Vậy trong vụ việc này? Ai đúng ai sai?

2. Việc Vinasun khởi kiện Grab có sai không?

Trong quá trình kinh doanh, do có sự thay đổi, sự nổi lên của một đối thủ cạnh tranh và ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của một doanh nghiệp thì các doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ phải tìm đủ mọi cách để chống lại đối thủ như dùng biện pháp cắt giảm chi phí, đổi mới kinh doanh và một biện pháp cũng rất hiệu quả, đó là sử dụng các công cụ pháp lý, đó là khởi kiện trước các cơ quan tài phán.

Vì vậy, trong trường hợp này, kể từ khi Taxi công nghệ ra đời, Vinasun đã tích cực cắt giảm chi phí, cải tiến dịch vụ và họ cũng thu thập các chứng cứ để chuẩn bị khởi kiện, bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là một chiến thuật mà nhiều hãng nước ngoài đã sử dụng, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một công ty sử dụng.

Vụ kiện này là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, có nghĩa là Vinasun cho rằng họ bị thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận do hành vi vi phạm pháp luật của đối thủ như cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo, khuyến mại trái phép.

Chúng ta nên hoàn toàn ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện nếu thấy quyền lợi của mình bị vi phạm, đây là một cách hành xử văn minh trong kinh doanh. Chuyện đúng hay sai sẽ do cơ quan tài phán ra quyết định, nhưng bản thân việc khởi kiện đã là một hành xử văn minh, thay vì nhưng hành động như dán khẩu hiệu phản đối hay kêu gọi dư luận một cách đơn thuần.

3. Vậy đâu là chân lý?

Hiện tại đang có một số người nổi tiếng, và nhiều phương tiện truyền thông đang kêu gào tẩy chay Vinasun, một doanh nghiệp Việt vì cho rằng Vinasun chơi xấu, lợi dụng luật pháp để "bắt chẹt" Grab... Đây thực sự là một chuyện buồn khi chính người dân Việt đang bị truyền thông của các công ty nước ngoài lợi dụng để đứng về phe họ, tẩy chay doanh nghiệp Việt Nam.

Như đã phân tích, Vinasun đang hành xử vô cùng văn minh và thể hiện tính cạnh tranh cao trong thời đại kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Việc ký kết các hiệp định thương mại giữa các nước phát triển với Việt Nam, đem lại nhiều cơ hội cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam đến khắp thế giới, nhưng ngược lại các tập đoàn, công ty nước ngoài với tiềm lực kinh tế, trình độ kinh doanh lão làng có nhiều kinh nghiệm thôn tính thị trường cũng tràn vào Việt Nam, để chiếm lấy một vị trí nhất định trong thị trường gần 100 triệu dân.

Trong rất nhiều cuộc hội thảo về sự công bằng giữa doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp có vốn FDI nói riêng thì đều vô cùng căng thẳng. Các doanh nghiệp trong nước luôn cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài khi làm ăn ở Việt Nam được ưu đãi quá nhiều thứ, từ đất đai, thuế các loại, rồi cả về vấn đề giám sát việc trốn thuế, chuyển giá... Đây cũng là 1 thực trạng nhức nhối ở Việt Nam, khi các tập đoàn , công ty nước ngoài liên tục báo lỗ (ko phải nộp thuế doanh nghiệp) nhưng vẫn mở rộng kinh doanh, Grab báo lỗ 1700 tỉ trong vòng 4 năm, nhưng số lượng xe thì hoàn toàn lấn át các doanh nghiệp Việt.

Việc bảo hộ, việc hỗ trợ truyền thông để các doanh nghiệp nội đều được các quốc gia phát triển trên thế giới tận dụng tối đa để nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, duy trì 1 nền kinh tế có sức mạnh nội lực thực sự, đôi khi những biện pháp đánh thuế còn bất chấp cả cái được gọi là các công ước, luật pháp quốc tế. Còn ở Việt Nam thì chính phủ do đang tích cực kêu gọi đầu tư do chúng ta nghèo, nội lực còn hạn chế, cần có sự đầu tư của các nước trên thế giới, nên luôn tạo ra những cơ chế có lợi, thuận tiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, việc bảo hộ các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.

Quay trở về với vấn đề Taxi Công nghệ, vào đầu năm 2018, Tòa Liên minh châu Âu (EU) vừa ra phán quyết coi Uber như hãng cung cấp dịch vụ vận tải thông thường. Điều đó có nghĩa Uber/Grab sẽ không được hưởng các ưu đãi như trước đây và phải có nghĩa vụ đóng thuế và có chính sách thỏa đáng cho các lái xe Grab. Nhưng ở Việt Nam, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải. Grab còn bị tố cáo có sai phạm như mua lại Uber nhưng từ chối trả tiền thuế Uber đang nợ nhà nước. Grab có ký hợp đồng thuê Tài xế, biểu hiện của việc kinh doanh Taxi - nhưng Grab không phản biện được, đang chọn cách đánh trống lảng yêu cầu tòa không được công bố bằng chứng với lý do đó là “Bí mật kinh doanh”.

Có cạnh tranh thì người sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi; nhưng cạnh tranh đó, phải là cạnh tranh lành mạnh.

Cũng cần phải cảm ơn Grab/Uber nói riêng, Taxi Công nghệ nói chung, nhờ có những nhân tố này nên bộ mặt của Taxi truyền thống, xe ôm truyền thống ở Việt Nam mới được cải thiện hơn. Nhưng các công ty như Grab vào Việt Nam cần tuân theo pháp luật của nhà nước CHXHCN Việt Nam trước đã.

Chuyện đúng hay sai sẽ do cơ quan tài phán ra quyết định, và mong rằng sau phiên tòa “lịch sử” này, ngành dịch vụ vận tải sẽ có cạnh tranh lành mạnh, nâng cao hơn nữa về chất lượng dịch vụ, nhằm mang tới những gì tốt nhất cho khách hàng, cũng như việc đảm bảo sự tôn trọng tới pháp luật và nghĩa vụ đối với nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Vũ Việt Hoàng tổng hợp