Để tăng cường hiệu quả trong hoạt động cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 87/2018/TT-BTC sửa đổi sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.

Theo đó, văn bản này bổ sung thêm nguyên tắc tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp nhận được Quyết định gia hạn nộp thuế, Thông báo không tính tiền chậm nộp. Quyết định cưỡng chế có thể bị chấm dứt hiệu lực nếu đối tượng bị cưỡng chế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế hoặc nộp dần tiền thuế nợ hoặc không tính tiền chậm nộp.

Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế hoặc công chức thuế có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế cho tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế.

Đối với biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản hoặc phong tỏa tài khoản: Bãi bỏ quy định cơ quan thuế phải xác minh thông tin tài khoản của người nộp thuế. Thay vào đó, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản bị cưỡng chế theo yêu cầu của người có thẩm quyền ban hành Quyết định cưỡng chế. Quyết định cưỡng chế phải được ban hành sau ngày thứ 90 kể từ ngày: Số tiền thuế, tiền chậm nộp hết thời hạn nộp thuế; hết thời hạn cho phép nộp dần tiền thuế nợ theo quy định, và ngay sau khi hết thời hạn gia hạn nộp thuế.

Đối với biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng: Bãi bỏ quy định cơ quan có thẩm quyền phải xác minh thông tin, thay vào đó cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế được quyền yêu cầu đối tượng bị cưỡng chế và các bên liên quan phải cung cấp thông tin; Bổ sung quy định chấm dứt biện pháp cưỡng chế trong trường hợp đối tượng bị cưỡng chế được gia hạn nộp thuế hoặc nộp dần tiền thuế nợ hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp./.

Lê Thắng