Ngay từ cuối thế kỷ XIX, trên thế giới đã xuất hiện một tổ chức quốc tế để thực thi quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) là Hiệp hội Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Quốc tế - BIRPI (theo tiếng Pháp là Bureaux Internationaux Réunis pour la Protection de la Propriété Intellectuelle).

BIRPI được thành lập vào năm 1893 để quản lý việc thực thi Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật và Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Tới thập niên 1960, do sự phát triển của thế giới và nhu cầu về bảo hộ quyền SHTT toàn cầu cũng tăng lên, BIRPI đã tiến hành cải tổ thành tổ chức quốc tế liên chính phủ và tới ngày 14 tháng 7 năm 1967, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước về thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO (World Intellectual Property Organization).

Công ước về thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới chính thức đặt nền móng cho sự thành lập của WIPO, có hiệu lực từ ngày 26 tháng 4 năm 1970. Từ đây, các cơ quan của của BIRPI đã chuyển thành một tổ chức mới - WIPO.

Từ năm 1974 cho tới nay, WIPO trở thành một cơ quan đặc trách của Liên Hợp Quốc. WIPO hiện nay có 191 thành viên và quản lý 26 hiệp ước quốc tế, đặt trụ sở chính tại Genève, Thụy Sĩ. Người đứng đàu WIPO là chức danh Tổng Giám đốc.

Tổng Giám đốc của WIPO từ năm 2008 cho tới nay là ông Francis Gurry người Úc. WIPO trước đó có 3 đời Tổng Giám đốc là ông Georg Bodenhausen (người Hà Lan) từ năm 1970 đến năm 1973 (làm Tổng Giám đốc của BIRPI từ năm 1963 cho tới năm 1970), ông Árpád Bogsch (người Mỹ gốc Hungary) từ năm 1973 đến năm 1997 và ông Kamil Idris (người Sudan) từ năm 1997 tới 2008.

WIPO có mục tiêu chính là "đẩy mạnh hoạt động trí tuệ sáng tạo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ liên quan đến sở hữu trí tuệ sang các nước đang phát triển nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá" và phạm vi hoạt động là "khuyến khích sự sáng tạo của nhân loại và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới”.

Không giống các cơ quan khác của Liên hợp quốc, WIPO có nguồn tài chính riêng độc lập với sự đóng góp của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Ngoài ra, một nguồn thu không nhỏ của WIPO có được là nhờ vào tiền lệ phí đăng ký và nộp hồ sơ cho Văn phòng chính của WIPO (International Bureau) căn cứ theo quy định của Hiệp ước PCT về đăng ký bằng sáng chế (Patent Cooperation Treaty), hệ thống Thỏa ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu quốc tế và hệ thống Thỏa ước Hague về đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

WIPO là một diễn đàn đa chính phủ nên thường cố gắng đi đến các quyết định thông qua nguyên tắc bình đằng và đồng thuận. Trong trường hợp phải bỏ phiếu, mỗi quốc gia thành viên của WIPO đều có một phiếu, bất kể dân số và sự đóng góp tài chính của quốc gia đó cho WIPO như thế nào.

Hoạt động của WIPO chủ yếu dựa vào các ủy ban, bao gồm Ủy ban thường trực về cấp bằng sáng chế (Standing Committee on Patents (SCP)), Ủy ban thường trực về bản quyền và các quyền liên quan (Standing Committee on Copyright and Related Rights (SCCR)), Ủy ban cố vấn về thực thi pháp luật (Advisory Committee on Enforcement (ACE)), Ủy ban liên chính phủ về tiếp cận tài nguyên di truyền, kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian (The Intergovernmental Committee (IGC) on Access to Genetic Resources, Traditional Knowledge and Folklore) và Nhóm công tác về cải cách Hiệp định hợp tác về bằng sáng chế.

Nước CHXHCN Việt Nam trở thành thành viên của WIPO từ năm 1976 và cũng tham gia nhiều điều ước quốc tế về SHTT như: Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp; Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT); Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu; Thỏa ước Hague về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp...

Cuộc họp lần thứ 57 Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ngày 02/10/2017 tại Geneva, Đại sứ Việt Nam Dương Chí Dũng được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Đây là một dấu mốc quan trọng trong hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam, thể hiện uy tín của Việt Nam tại diễn đàn đa phương như WIPO, là kết quả của việc thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Từ ngày gia nhập WIPO cho tới nay, việc bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam ngày càng phát triển và những tài sản trí tuệ của Việt Nam cũng có điều kiện được bảo hộ ở nước ngoài và tham gia tiến trình hội nhập toàn cầu. Việt Nam sẽ luôn có những cố gắng phát triển để theo kịp được tiến trình hội nhập trên toàn thế giới hiện nay.

Vũ Việt Hoàng tổng hợp