Sáng ngày 29/05/2018, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ký Bản ghi nhớ hợp tác chiến lược nhằm tăng cường quản trị sở hữu trí tuệ với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc.

Bản ghi nhớ tập trung các lĩnh vực xác lập quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam, nâng cao chất lượng thẩm định đơn đăng ký sáng chế và hệ thống tự động hóa quản trị đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Cụ thể, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hợp tác xử lý nhanh đơn đăng ký sáng chế. Chương trình thí điểm sẽ thực hiện với các đơn nộp từ 01/06/2019. Thời hạn thí điểm là hai năm.

Lâu nay, thời hạn thẩm định nội dung đăng ký sáng chế là 42 tháng kể từ ngày nộp đơn. Với đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích thì thời hạn thẩm định là 36 tháng.

Theo thỏa thuận này, các đơn đăng ký sáng chế có xuất xứ Hàn Quốc nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nếu thỏa mãn các điều kiện sẽ được đẩy nhanh quá trình thẩm định. Đơn đăng ký sáng chế có xuất xứ Việt Nam nộp vào Hàn Quốc cũng được hưởng cơ chế tương tự. Việc rút ngắn trình tự thủ tục bao nhiêu thời gian sẽ tiếp tục được hai bên bàn thảo trước khi áp dụng.

Đây là xu thế ngày càng phổ biến giữa các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia trên thế giới, nhằm giảm thiểu nguồn lực cho công tác thẩm định và đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người nộp đơn.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ tin tưởng việc ký kết sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý đơn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 12/05/2018, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Cục trưởng Đinh Hữu Phí vừa có buổi làm việc với ông Kunihiko Shimano, Phó tổng giám đốc Cơ quan sáng chế Nhật Bản, để thảo luận các biện pháp triển khai và đẩy mạnh hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa hai nước.

Theo đó Cục Sở hữu trí tuệ mong muốn Cơ quan Sáng chế Nhật Bản hỗ trợ dự án nhằm nâng cao năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp để quá trình xử lý đơn sẽ được rút ngắn và nâng cao chất lượng văn bằng bảo hộ.

Ông Phí cũng đề nghị Cơ quan sáng chế Nhật Bản thông qua Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hỗ trợ Cục một số hạng mục công việc liên quan đến chuẩn hóa dữ liệu theo chuẩn quốc tế.  

Phó tổng giám đốc Kunihiko Shimano khẳng định cơ quan này sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong trong quá trình phát triển để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Trong số này có cả doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Kunihiko Shimano cam kết sẽ kiến nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ các dự án liên quan đến xây dựng năng lực thẩm định đơn sở hữu công nghiệp, số hóa tư liệu để các dự án có thể triển khai đúng tiến độ đề ra.

Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu về sở hữu trí tuệ với hơn 318.000 đơn đăng ký sáng chế mỗi năm. Để thúc đẩy việc xử lý đơn cũng như công tác sở hữu trí tuệ, năm 2003, Văn phòng ban chỉ đạo chiến lược sở hữu trí tuệ Nhật Bản được thành lập với người đứng đầu là Thủ tướng và các bộ trưởng là thành viên. Chương trình chiến lược sở hữu trí tuệ cũng được xây dựng và theo dõi hàng năm theo tình hình thực tế.

Tại Việt Nam, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 102.330 đơn các loại. Trong số này đã xử lý 80.590 đơn (tăng 1% so với năm 2016). Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ nhìn nhận lượng đơn xử lý vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội. Cục đang tìm mọi giải pháp để nâng cao năng lực, hoàn thiện các quy trình, thủ tục thẩm định đơn và tập trung xử lý đơn tồn lâu.

Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia phát triển ở Đông Á. Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và 2 quốc gia này sẽ nâng cao năng lực của các cơ quan đăng ký Sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói riêng và rộng hơn là thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển khi nhận được sự đầu tư và tiếp thu công nghệ từ nước bạn.

Vũ Việt Hoàng tổng hợp