Việc cải tổ thuế ở mảng kinh doanh trực tuyến đang trở thành vấn đề cấp bách cho các quốc gia, khi mà mô hình kinh doanh trên mạng mỗi ngày một trở nên phổ biến và chiếm tỷ trọng cao trong nền thương mại và các công ty thương mại điện tử (TMĐT) cũng như công ty bán lẻ tổng hợp cũng không phải là ngoại lệ.

Trên thực tế, nhiều quy định về thuế trước đây không còn thích hợp dẫn đến những bất công cho các doanh nghiệp và sự thiệt thòi cho ngân sách nhà nước. Tại nhiều nước như Mỹ, án lệ tại một bang có thể áp dụng cho các bang khác, điều này càng làm cho luật thuế trở nên rối rắm, và việc cải tổ là điều không thể tránh khỏi.

Bắt đầu từ một án lệ

Câu chuyện bắt đầu từ một án lệ mang tên “Quill Corp. v. North Dakota (91-0194), 504 U.S. 298 (1992)” được đưa ra bởi bang North Dakota, Mỹ, từ năm 1992, theo đó chính quyền không thể thu thuế trên những doanh nghiệp kinh doanh không đặt căn cứ như văn phòng hay kho chứa trên địa phận của bang hay thành phố đó. Nhưng nay, các công ty TMĐT và cả các công ty bán lẻ truyền thống bán hàng ở khắp mọi nơi qua mạng Internet mà không cần thiết phải đặt văn phòng, cơ sở đại diện. Việc bán hàng không chịu thuế kinh doanh Internet (Internet Sales Tax) rõ ràng là tạo sự bất công cho các công ty phải chịu thuế khi bán hàng tại chỗ. Trong trường hợp này nhiều công ty nhỏ phải dựa vào TMĐT để đưa hàng hóa lên các nền tảng trực tuyến nhằm tránh thuế, thậm chí nhiều công ty lớn cũng tránh thuế bằng việc hạn chế mở thêm văn phòng đại diện. Tình trạng thất thu thuế ở các bang và thành phố ở Mỹ đã lên đến hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm bởi việc áp dụng án lệ này.

Từ năm 2015, thẩm phán Anthony Kennedy đã yêu cầu thẩm định lại án lệ. “Thật là không khôn ngoan khi cứ trì hoãn việc xem xét lại án lệ Quill của tòa án”, ông cho biết và nói thêm rằng án lệ Quill bây giờ làm cho các tiểu bang lo lắng về việc thất thu thuế. Các thẩm phán Clarence Thomas và Neil M. Gorsuch cũng không đồng tình trước quyết định và luận cứ pháp lý về nó. Nay với án lệ mới có tên là “South Dakota v. Wayfair, No. 17-494”,  bang South Dakota đã thỉnh cầu Tòa án Tối cao Mỹ hủy bỏ án Quill, và ký tên ủng hộ vào yêu cầu này là 35 bang khác cùng District of Columbia.

Bảo vệ cho án lệ Quill là ba công ty TMĐT Wayfair Inc., Overstock.com Inc. và Newegg Inc. có hoạt động thương mại ở tất cả các tiểu bang trên toàn nước Mỹ. Trong khi đó, Amazon vốn chiếm đến 60% thị phần kinh doanh trực tuyến ở Mỹ, đưa ra lập luận rằng “nếu Quill bị bãi bỏ thì gánh nặng sẽ đổ xuống trước hết trên các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm cho khả năng tiếp cận thị trường của họ bị dập tắt”.

Hãng tin Bloomberg cho biết Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét việc cho phép các bang và chính quyền địa phương thu hàng tỉ đô la tiền thuế đánh trên hoạt động kinh doanh trực tuyến của các nhà bán lẻ, đồng ý với việc xét lại án lệ đã được áp dụng 26 năm nay vốn làm cho kinh doanh Internet hầu như là vùng không thuế. Theo đó, các thẩm phán tại tòa tối cao cho biết họ sẽ nghe lời tranh luận của South Dakota rằng phán quyết năm 1992 đang trở nên lỗi thời trong thời đại TMĐT và cần phải được lật ngược lại.

Government Accountability Office, một tổ chức nghiên cứu và kiểm toán tại Quốc hội, cho biết các bang và chính quyền địa phương sẽ thu về được khoản thuế hơn 13 tỉ đô la tính cho năm 2017 nếu cho phép thu thuế các khoản thanh toán trực tuyến đối với các nhà kinh doanh trên mạng và các công ty bán hàng từ xa.

Trường hợp này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến công ty TMĐT hàng đầu Amazon, mặc dầu không được đề cập trực tiếp.


TMĐT phát triển mạnh mẽ khiến nhiều quy định về thuế trước đây không còn thích hợp,
dẫn đến việc thị trường mất tính bình đẳng và ngân sách nhà nước thất thu thuế.

Một công ty, hai luật thuế

Amazon đóng thuế kinh doanh mạng cho mình nơi mỗi một bang có luật thuế, do họ đặt những kho chứa tại đó. Nhưng khoảng một nửa doanh số trên Amazon.com lại là của thành phần thứ ba tức những nhà cung ứng mà đa phần là không thể thu thuế. Tòa án Tối cao có lẽ sẽ quyết định vấn đề vào tháng 4-2018, nghĩa là sau hạn kỳ 9 tháng kể từ tháng 6-2017. Phán quyết năm 1992 về “Quill v. North Dakota”, áp dụng cho cả các công ty bán hàng qua bưu điện, theo đó các công ty bán lẻ chỉ phải trả thuế tại nơi mà họ có sự hiện diện vật lý.

Phán quyết này biện dẫn điều khoản về cái gọi là “kinh doanh bất động” (dormant commerce), theo đó cấm các bang can thiệp vào thương mại nơi các bang khác trừ khi được phép của Quốc Hội. Nhưng năm 2016, bang South Dakota thông qua một luật nhắm tới việc đảo lộn phán quyết Quill. Luật này buộc các công ty bán hàng tại bang này ở trên mức 100.000 đô la mỗi năm phải đóng mức thuế 4,5% tính trên doanh số bán hàng.

Bang South Dakota trình bày trong phiên phúc thẩm tại Tòa án Tối cao rằng: “Sự bất lực của các bang trong việc thu thuế những công ty bán hàng trên mạng gây tác hại đến ngân khố và cả đến các cửa hàng bán lẻ.” Ba công ty kinh doanh trực tuyến bị ảnh hưởng trực tiếp bởi luật mới là Wayfair, Overstock và Newegg nói rằng tòa án sẽ bác bỏ lời kháng cáo và đẩy vấn đề cho Quốc hội thiết lập luật thuế kinh doanh qua mạng. Các công ty lập luận rằng “Quốc hội sẽ xem xét vấn đề một cách cân đối và có sự hiểu biết.” Nhưng 35 bang ủng hộ South Dakota tại tòa cũng như các nhà làm luật nói rằng họ đã mất rất nhiều năm để Quốc hội xem xét vấn đề. Những ý kiến càng về sau càng thêm trái ngược.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia đại diện cho cả các nhà kinh doanh trên mạng và các công ty bán hàng bách hóa nói rằng họ được tòa khuyến khích tham gia vào phán quyết. Vị chủ tịch liên đoàn, ông Matthew Shay nói: “Chúng tôi hy vọng nó sẽ mang đến kết quả tích cực phản ảnh thực tế thương mại thế kỷ 21”. Thượng nghị sĩ Heidi Heitkamp bang North Dakota cũng hoan nghênh việc Tòa án Tối cao xem xét vấn đề, còn ba vị thẩm phán tại tòa, gồm Clarence Thomas, Neil Gorsuch và Anthony Kennedy từ trước cũng đã tỏ ý nghi ngờ về án lệ Quill.

Amazon, hiện đang phải dựa vào án lệ Quill để thực hiện việc thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng của mình, đang ủng hộ cách tiếp cận mang tầm quốc gia để thay thế cho những luật lệ “chắp vá” của các bang, mặt khác cũng thực hiện việc hiện diện thực thể ở mỗi bang bằng các kho chứa hàng.

Bốn bang cuối cùng mà Amazon thu thuế kinh doanh trên mạng là Hawaii, Idaho, Maine và New Mexico; nhưng việc này không thể thực hiện được tại các bang không có luật thuế bán hàng là Delaware, Montana, New Hampshire và Oregon. Amazon buộc phải thực hiện hai chính sách thuế, và điều này đã không thể tránh khỏi khi mà các thẩm phán tại tòa án cũng như các nhà làm luật tại quốc hội không theo kịp với diễn tiến kinh tế và chuyển biến thị trường.

Những án lệ đã cũ trở nên lỗi thời, và việc làm luật cũng không bắt kịp với thời gian. Sự việc trở nên rối rắm, bản thân Amazon nói rằng họ đã thu thuế kinh doanh trên mạng (để nộp vào ngân sách), bên hành pháp lại nói không và gọi đây là công ty “độc quyền không thuế” (no-tax monopoly), còn chính quyền nhiều bang xác nhận họ có những thỏa thuận mức thuế với công ty TMĐT hàng đầu này.

Cần có một cuộc cải tổ thuế

Một con số thiệt hại khác gây nên bởi lỗ hổng án lệ này gây ra, theo National Conference of State Legislatures, lên tới 17,2 tỉ đô la cho năm 2016, cao hơn so với con số báo cáo tại  Văn phòng Quốc hội. Sự thất thu này buộc bang South Dakota phải ra luật mới, kể từ tháng 3-2016, các công ty kinh doanh trên mạng có doanh thu vượt quá 100.000 đô la hay trên 200 lần giao dịch một năm phải chịu thuế. Bởi đó, tháng 3-2017, ba công ty bị ảnh hưởng nói trên kiện lại bang South Dakota, và vấn đề nay được đưa lên tối cao pháp viện. Alabama, Tennessee và South Dakota là ba bang tham gia vào trận chiến pháp lý này, cùng hơn 20 bang khác tạo thành phong trào “kill Quill” (diệt Quill). Với những cơ sở trên tòa án tối cao có đủ cơ sở để vào cuộc, và ngày 12-1 họ loan báo sẽ cho các bên trình bày quan điểm của mình.

Ở một diễn biến khác, một nhà làm luật tại bang North Dakota cho biết Tổng thống Mỹ sẽ ban hành đạo luật 2018 cho phép các bang được quyền thu thuế kinh doanh trên mạng. Từ lâu ông Donald Trump đã rất chú ý tới vấn đề thu thuế kinh doanh trên mạng với cả những lời lẽ gay gắt trên Twitter. Trang Newsweek.com dẫn tin từ tờ The Daily Signal rằng bà Noem cho biết Tổng thống sẽ xem xét dự luật bà đệ trình trong tháng Giêng. Nhà Trắng không bình luận, gọi đó là “vấn đề riêng tư”. Nhưng chuyên gia về chính sách thuế Adam Michel tại The Heritage Foundation viết cho tờ The Daily Signal một bức thư rằng: “Việc tòa án tối cao xem xét đảo lộn phán quyết Quill và những đề xuất nghị viện mở rộng quyền thu thuế ra bên ngoài mỗi bang là điều tồi tệ”. Và theo Michel, những bản kiến nghị như thế sẽ chấm dứt một phần tư thế kỷ thuế kinh doanh mạng trước đây và đặt người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng của các công ty nhỏ trước nguy cơ chịu thuế cao hơn.  Ông đề cập đến việc Quốc hội vừa thông qua Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm, và cho rằng việc ban hành một đạo luật mới sẽ phá vỡ thành quả của đạo luật này.

Trong mọi trường hợp và có thể ở mọi nước, việc thu thuế kinh doanh trên mạng tuy khẩn trương nhưng lại không phải là điều dễ dàng khi phải đối phó cùng lúc với cả những luật và lệ hay quy định cũ và cả thói quen của người tiêu dùng.

Phó giáo sư Hayes Holderness khoa Luật thuộc Trường Đại học University of Richmond (Mỹ) cho rằng cuộc cải tổ thuế tiếp theo phải là thuế kinh doanh qua mạng. Phong trào “kill Quill” tại đây đang cố thuyết phục tòa án để tránh việc trì hoãn lâu nay của Quốc hội. Nhưng một cuộc cải tổ đến tận gốc cần có sự hợp tác giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp cũng như hành pháp, nhất là trước tình hình rối ren hiện nay. Mặt khác, việc cải tổ ở Mỹ cũng sẽ kéo theo nhu cầu thay đổi tại các nước khác vì nền thương mại ngày nay đang được toàn cầu hóa đến mức cao nhất.

Bài & Ảnh: TBKTSG