Camargue là khu vực nằm ở phía nam của Arles, Đông Nam nước Pháp, giữa biển Địa Trung Hải và hai nhánh sông ở vùng hạ lưu sông Rhône.  Khu vực có diện tích hơn 930 km², là vùng đồng bằng sông lớn nhất Tây Âu. Đó là một đồng bằng rộng lớn bao gồm các đầm phá mặn, ao hồ bị chia cắt bởi các bãi cát và bao quanh bởi các đầm lầy đầy lau sậy. Đây là khu vực có diện tích canh tác lớn.

Khu vực được xây dựng các hệ thống thoát nước, đê điều trở thành vùng trồng các loại ngũ cốc, nho, nhất là lúa gạo, sản xuất muối lớn của Pháp.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai sắp bùng nổ thì chính quốc Pháp có lệnh tuyển mộ người Việt sang làm lao công thuộc địa (viết tắt tiếng Pháp MOI: Main-d'oeuvre Indigène), với dạng cưỡng bách. Năm 1939 đã có 93.000 người, cả lính thợ lẫn lính chiến, bị đưa sang Pháp sung vào quân ngũ hỗ trợ chính quốc theo. Riêng ở Baumettes khoảng 20.000 người bị giam giữ để phục dịch trong các công xưởng với mức lương 1/10 lính Pháp.

Theo lịch sử, người Camargue đã từng thử trồng lúa từ khoảng cuối thế kỷ 16 theo sắc lệnh của vua Henri IV để giữ đất. Việc canh tác thất bại, lúa leo teo, xen lẫn cỏ, chỉ dùng cho lợn ăn. Đất lại bỏ trống vì không cây nào có hiệu quả kinh tế sống nổi trên thổ nhưỡng đó. Các nhà nghiên cứu Pháp ghi nhận năm 1939, Camargue chỉ là vùng đất hoang.

Tháng 9/1941, chính quyền Pháp cung cấp giống lúa và nhân lực rẻ tiền và người dân Camargue phải cung cấp đất, và bán sản phẩm theo giá quy định của nhà nước. 125 người nông dân Việt bị tống vào mấy cái nhà cất tạm, không nhà vệ sinh, không có điện. Họ được giao công việc trồng lúa tại Camargue.

Vượt qua mọi gian khổ, chịu đựng, nông dân Việt chất phác, cần cù đã thành công ngay vụ lúa đầu tiên cho nước Pháp. Kinh nghiệm lấn biển từ bao nhiêu thế kỷ mở mang bờ cõi của người Việt chuyên trồng lúa nước được đem áp dụng tại đây. Họ dùng kỹ thuật canh tác đê điều, chặt cây đốt thành than để cải tạo đất.

Năm 1946, nhờ lao động Việt này sản lượng thu 1.900 tấn thóc, và mở hơn 1.000 ha trồng lúa.

Năm 1952, khi tình hình Đông Dương bất ổn, chính quyền Pháp lo nguy cơ những mầm mống cách mạng nổi dậy của những "nô lệ hiện đại" như người Mỹ đen ở Mỹ, Pháp đã đưa số người lao động trở lại Đông Dương. Đại đa số trở về Việt Nam, tuy vậy cũng có một số nông dân Việt Nam ở lại và kết hôn với người bản xứ.

12 năm khổ sai vất vả, nông dân Việt đã cải tạo hơn 10.000 ha đất trồng lúa (tức là 2/3 diện tích so với ngày nay). Không có nông dân Việt Nam không có vựa lúa ở Camargue ngày nay. Chính những người nông dân đã góp phần làm Camargue nghèo nàn trở nên nổi tiếng vì lúa. Bây giờ, Camargue tự hào là nơi duy nhất cung cấp gạo "sạch" cho nước Pháp. Vô hình chung, những người nông dân Việt đã làm rạng danh cho văn minh lúa nước Việt Nam tại Pháp.

Lúa gạo tại Camargue đã được cấp Chỉ dẫn Địa Lý và là một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng ở Pháp nói riêng và cả Tây Âu nói chung.

Ngày 14 tháng 6 năm 2018, đoàn công tác của Cục Sở hữu Trí Tuệ Việt Nam và của CONCETTI đã có buổi gặp gỡ những người nông dân Pháp gốc Việt, những hậu duệ của những “lao công thuộc địa” thời bấy giờ, những con người đã làm nên sự nổi tiếng của lúa gạo tại Camargue.

Vũ Việt Hoàng