Trong thực tiễn áp dụng pháp luật doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp đã gặp rất nhiều trở ngại liên quan đến vấn đề miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cổ phần. Khi bị miễn nhiệm thì thời điểm nào thành viên HĐQT được xem là chính thức không còn tư cách? Câu hỏi có vẻ dễ dàng trả lời nhưng lại trở thành một nỗi băn khoăn của nhiều công ty cổ phần khi vận dụng các quy định hiện hành của pháp luật doanh nghiệp.

Hiện có hai luồng quan điểm về vấn đề này: (i) Thành viên HĐQT sẽ chính thức bị mất tư cách khi rơi vào các trường hợp miễn nhiệm theo luật định; (ii) Tuy rơi vào các trường hợp miễn nhiệm theo luật định nhưng tư cách thành viên chỉ chính thức không còn khi đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) tổ chức phiên họp và ra quyết định miễn nhiệm theo thẩm quyền duy nhất của mình.

Miễn nhiệm, hiểu thế nào cho đúng?

Miễn nhiệm có xuất phát điểm là một thuật ngữ thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước, dùng để chỉ việc thôi không còn giữ chức vụ của những người có chức vụ được bầu, được bổ nhiệm, được giao giữ nhiệm vụ thường xuyên trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị của nước ta trước khi hết nhiệm kỳ hoặc trước khi hết thời hạn bổ nhiệm theo đúng trình tự, thủ tục luật định.

Tuy không được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2014 nhưng khái niệm miễn nhiệm cũng có thể được hiểu một cách tương đồng. Đối với việc cho thôi giữ chức danh thành viên HĐQT trong công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng đã quy định một hành lang pháp lý trong một số trường hợp nhất định. Theo điều 156, thành viên HĐQT có thể bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau: (i) Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp; (ii) Không tham gia các hoạt động của HĐQT trong 6 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng; (iii) Có đơn từ chức; (iv) Trường hợp khác quy định tại điều lệ công ty. Khi đó, theo quy định tại điều 135 thì ĐHĐCĐ là chủ thể duy nhất được trao quyền miễn nhiệm thành viên HĐQT.

Những khoảng trống để lại

Như vậy, có thể hiểu rằng, một thành viên HĐQT có thể bị ĐHĐCĐ bỏ phiếu miễn nhiệm khi rơi vào một số trường hợp tại điều 156. Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định thẩm quyền miễn nhiệm thành viên HĐQT cho ĐHĐCĐ mà không quy định cho chủ thể nào khác. Chúng ta đều biết rằng ĐHĐCĐ là cơ quan không thường trực, thông thường họp một năm một lần và một số lần triệu tập họp bất thường khác. Điều này dẫn đến hai luồng quan điểm khác nhau như đã đề cập ở trên. Điều 156 chỉ quy định các trường hợp mà theo đó thành viên HĐQT có thể bị miễn nhiệm nhưng lại không đề cập gì thêm về hậu quả pháp lý của việc miễn nhiệm này. Khoảng thời gian từ khi xuất hiện sự việc dẫn đến việc một thành viên HĐQT bị miễn nhiệm đến khi tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ để chính thức thông qua quyết định sẽ gây nên nhiều sự khó xử cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, về mặt quản trị và trách nhiệm. Thành viên đó còn được thực hiện việc biểu quyết trong các phiên họp HĐQT hay không? Mọi chuyện sẽ trở nên rắc rối khi thành viên này tham gia và biểu quyết tại phiên họp HĐQT. Sẽ không có gì để bàn trong trường hợp mọi chuyện “thuận buồm xuôi gió”, nhưng chẳng may, khi nghị quyết của HĐQT gây thiệt hại đến công ty thì các thành viên tán thành nghị quyết đó phải liên đới chịu trách nhiệm cá nhân và đền bù thiệt hại theo khoản 4 điều 149 Luật Doanh nghiệp 2014. Vấn đề đặt ra lúc này là, phiếu biểu quyết của thành viên bị rơi vào các trường hợp miễn nhiệm có giá trị không? Mọi chuyện sẽ càng rắc rối hơn khi phiếu biểu quyết của thành viên đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực của nghị quyết của HĐQT. Việc xảy ra vấn đề nội bộ liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm cá nhân trong đội ngũ quản lý công ty rõ ràng là một trở ngại không đáng có. Việc điều hành và quản lý lúc này cũng sẽ ít nhiều gặp khó khăn.

Thứ hai, tại điểm a khoản 3 điều 156 quy định rằng HĐQT phải triệu tập họp ĐHĐCĐ để bầu bổ sung thành viên HĐQT trong trường hợp số thành viên HĐQT bị giảm quá một phần ba so với số quy định tại điều lệ công ty. Trường hợp này, HĐQT phải triệu tập họp ĐHĐCĐ trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày số thành viên bị giảm quá một phần ba. Vậy ngày mà số thành viên bị giảm quá một phần ba là ngày nào? Pháp luật doanh nghiệp không có câu trả lời rõ ràng đối với trường hợp thành viên HĐQT bị miễn nhiệm.

Thứ ba, trong trường hợp chủ tịch HĐQT là đại diện vốn của một cổ đông. Mọi người thường truyền tai nhau một tình huống điển hình. Sau khi cổ đông thoái vốn, vị chủ tịch đó cũng phải chấm dứt tư cách thành viên HĐQT theo quy định của điều lệ. Tuy nhiên, nhiệm kỳ HĐQT vẫn còn và lúc đó công ty chưa kịp mở phiên họp ĐHĐCĐ để thông qua quyết định miễn nhiệm. Vì thế, vị chủ tịch HĐQT này đã không từ nhiệm. Hơn nữa, chủ tịch HĐQT này còn dự định ký thông qua các tờ trình bán trái phép hàng loạt tài sản lớn của doanh nghiệp như máy móc, phương tiện di chuyển. Nếu không có một phản ứng kịp thời, liệu công ty sẽ thiệt hại về tiền đến mức nào? Ngược lại, có trường hợp HĐQT công ty đã giải quyết tình huống bằng cách tổ chức họp và ra quyết định miễn nhiệm tư cách thành viên của thành viên kiêm chủ tịch HĐQT đó nhưng Luật Doanh nghiệp 2014 có cho HĐQT thẩm quyền này không? Sự thiếu sót này đã đẩy không ít doanh nghiệp vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Thứ tư, một vấn đề mà các doanh nghiệp cổ phần phải giải quyết là chế độ làm việc và các quyền lợi liên quan cho thành viên HĐQT. Rõ ràng, việc xác định thời điểm chấm dứt tư cách thành viên HĐQT sẽ ảnh hưởng đến việc xác định mức quyền lợi mà thành viên đó được hưởng. Đối với một số doanh nghiệp, mức thù lao cho các thành viên của HĐQT là rất lớn nên đây cũng là một điểm khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn.

Trước đây, các doanh nghiệp vẫn thường áp dụng quy định tại điều 11 Thông tư 121/2012 của Bộ Tài chính. Trong trường hợp một thành viên bị mất tư cách thành viên theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty, bị cách chức, miễn nhiệm, hoặc vì một lý do nào đó không thể tiếp tục làm thành viên, HĐQT có thể bổ nhiệm người khác tạm thời làm thành viên theo quy định tại điều lệ công ty. Việc bầu mới thành viên HĐQT thay thế phải được thực hiện tại cuộc họp ĐHĐCĐ gần nhất. Tuy nhiên, Thông tư 121, đã hết hiệu lực từ 1-8-2017, trong khi Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty đại chúng lại chưa ghi nhận hướng xử lý cho vấn đề này.

Các phương án lấp lỗ hổng

Xuất phát từ việc Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ trao thẩm quyền miễn nhiệm thành viên HĐQT cho ĐHĐCĐ, cần có phương án hoàn thiện cho lần cập nhật bổ sung pháp luật tới.

Phương án thứ nhất, theo hướng bãi bỏ thẩm quyền miễn nhiệm thành viên HĐQT của ĐHĐCĐ và giao thẩm quyền này cho HĐQT. Phương án này có thể sẽ dẫn đến việc không đảm bảo quyền lợi của các cổ đông nhỏ và dễ xảy ra tình trạng phe cánh của các nhóm cổ đông lớn, gây ảnh hưởng đến nội bộ doanh nghiệp.

Phương án thứ hai, theo hướng vẫn giữ lại thẩm quyền miễn nhiệm thành viên HĐQT cho ĐHĐCĐ và ghi nhận lại nội dung tương tự Điều 11 của Thông tư 121/2012 trong lần cập nhật văn bản tiếp theo, đồng thời quy định rõ về thời điểm chấm dứt tư cách thành viên HĐQT là ngay khi rơi vào các trường hợp bị miễn nhiệm. Khi đó, HĐQT sẽ ra một thông báo về việc không còn tư cách thành viên đối với thành viên bị mất tư cách. Quyết định miễn nhiệm chính thức sẽ được ĐHĐCĐ thông qua tại phiên họp gần nhất. Mặc dù cách thức này sẽ khiến quyết định miễn nhiệm của ĐHĐCĐ đồng trở nên hình thức và không còn cần thiết nhưng đây là một cách giải quyết “vẹn cả đôi đường” khi vừa đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo được khía cạnh ổn định quản trị nội bộ cho doanh nghiệp.

Lời kết

Không thể phủ nhận rằng Luật Doanh nghiệp 2014 từ khi có hiệu lực đã tạo nên một bước tiến mới, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trên con đường hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy vậy, qua thực tiễn áp dụng, Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn còn đó những thiếu sót không đáng có, khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp không ít trở ngại. Hy vọng rằng, trong lần bổ sung sửa đổi pháp luật doanh nghiệp sắp tới, quy định về miễn nhiệm thành viên HĐQT trong công ty cổ phần sẽ được cập nhật đầy đủ hơn, giảm thiểu tối đa những băn khoăn trong cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Hoàng Võ Minh Tuấn - LS. Lê Trọng Thêm
Nguồn: Thesaigontimes.vn