Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP, Bộ LĐTBXH đã chỉ ra các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định hiện hành như khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương... đã làm ảnh hưởng đến chính sách lương của doanh nghiệp và không tuân theo cơ chế thị trường.

Các quy định nêu trên đã can thiệp và làm hạn chế rất nhiều sự thương lượng, thỏa thuận tiền lương trong doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường. Do đó, trong Đề án cải cách chính sách tiền lương định hướng thực hiện chính sách tiền lương theo đúng nguyên tắc thị trường, Nhà nước sẽ giảm dần và tiến đến bãi bỏ can thiệp (không ban hành nguyên tắc) vào xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp.

Hiện nay, trong khi chờ đợi Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thay đổi nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương theo hướng giảm các tỷ lệ trên như sau: Giảm khoảng cách tối thiểu giữa hai bậc lương liền kề xuống 3%; Mức lương tối thiểu của lao động qua đào tạo, học nghề sẽ cao hơn mức lương tối thiểu vùng 5%; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 3% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương.

Lê Thắng
Nguồn ảnh: Internet