Có rất nhiều phương thức cho các doanh nghiệp sử dụng khi xảy ra tranh chấp với đối tác trong kinh doanh, nhưng theo nhiều luật sư, phương thức trọng tài là tiện lợi và thông minh nhất.

Tranh chấp là điều không ai mong muốn khi hoạt động thương mại. Thế nên, để đề phòng bất trắc, các doanh nghiệp nên có những điều khoản rõ ràng cho mọi trường hợp và ghi thẳng vào hợp đồng.

Theo các luật sư gạo cội, cách thông minh nhất là cùng nhau giải quyết vấn đề tranh chấp tại các trung tâm trọng tài ở Việt Nam.

"Lúc có vi phạm hợp đồng, ví dụ như trả tiền không đúng thời hạn. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ có 4 phương thức để giải quyết: đầu tiên là thương lượng trực tiếp với nhau, thứ hai là có thêm trung gian hòa giải, thứ ba là cậy nhờ các trung tâm trọng tài và thứ tư là đưa nhau ra tòa", Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM – Huba, cho biết.

Có thêm trung gian hòa giải, tức hai bên ngồi lại với nhau để bàn luận phương cách giải quyết, có người làm chứng. Nếu sau khi ký kết, có bên không thực hiện thỏa thuận cuối cùng, sẽ có người đứng ra giải quyết vấn đề.

Thường thì sau khi phương thức đơn giản là đối thoại trực tiếp không thành công, doanh nghiệp thường đưa nhau ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Trong khi, ra tòa nhiều khi rất phức tạp. Trong luật, chỉ có xử hai cấp, nhưng thực tế không thế, nhiều vụ tranh chấp phải qua rất nhiều cấp, rất tốn thời gian và tiền bạc.

Trong khi phương thức trọng tài chỉ xử có một lần và có hiệu lực ngay lập tức. Các trung tâm trọng tài cũng không "hoạch họe" hay quan cách như tòa án. Ngay sau khi có kết quả sẽ đưa tới trung tâm thi hành án, thỏa thuận cuối cùng sẽ được thi hành ngay.

Tuy nhiên, muốn sử dụng phương cách thông minh và hiện đại này, các doanh nghiệp phải ghi rõ trong hợp đồng: Khi xảy ra tranh chấp, sẽ đến trung tâm trọng tài… để giải quyết.

"Trong các hợp đồng thương mại quốc tế, phần lớn các đối tác nước ngoài thường chọn các trung tâm trọng tài ở Singapore. Tuy nhiên, việc cử một trọng tài - luật sư giỏi tiếng Anh để qua Singapore thụ lý vụ việc không phải là đơn giản. Thế nên, nếu có thể, các doanh nghiệp Việt nên thuyết phục đối tác chọn trung tâm trọng tài ở Việt Nam", ông Phạm Ngọc Hưng khuyên.

Ông Hưng kể thêm, các doanh nghiệp nước ngoài thường hay gài điều kiện có lợi cho họ, nên có lần, ông phải cãi nhau với họ tới 2 ngày chỉ để đàm phán chuyện dùng trọng tài ở đâu. Hoặc có lần, ông phải xử cho hợp đồng vô hiệu, vì như thế thân chủ của ông còn tổn thất ít hơn là qua Singapore giải quyết.

SO SÁNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT GIỮA HAI PHƯƠNG THỨC TRỌNG TÀI - TÒA ÁN

Vấn đề Trọng tài Tòa án
Thủ tục và thời gian thỏa thuận  do tòa quy định
Địa điểm tùy chọn tại tòa án
Ngôn ngữ các bên chọn tiếng Việt
Luật áp dụng các bên chọn luật Việt Nam
Người giải quyết tranh chấp các bên tự chọn trọng tài viên có trong hoặc ngoài danh sách của các trung tâm tòa chỉ định thẩm phán thụ lý
Nguyên tắc tố tụng không công khai, bảo mật công khai về hình thức lẫn nội dung
Hiệu lực chung thẩm nhiều cấp xét xử như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm…

"Phương thức trọng tài có thủ tục đơn giản, nhanh chóng và thân thiện. Tuy nhiên, các bên cũng phải trình cho trung tâm và các trọng tài bằng chứng, hồ sơ và nhân chứng rõ ràng. Còn ở tranh chấp quốc tế, chỉ cần hiểu được tập quán của nước đối tác, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vấn đề", ông Vũ Trọng Khang,  Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP. HCM - Tracent, nói.

Quy trình tố tụng của Tracent: sau khi nguyên đơn nộp hồ sơ khởi kiện lên trung tâm trọng tài, nộp phí tạm ứng và chọn trọng tài viên, Trung tâm bắt đầu tố tụng trọng tài khi nguyên đơn nộp tạm ứng phí trọng tài. Đồng thời, bị đơn sẽ được Trung tâm thông báo rằng họ bị khởi kiện, bị đơn có thể gửi bản tự vệ và chọn trọng tài viên của mình. Tiếp nữa, hai trọng tài viên của hai bên sẽ bầu ra một vị chủ tịch trọng tài.

Khi đó, Hội đồng trọng tài sẽ gồm 3 thành viên và họ gửi hồ sơ các bên cho nhau. Chú ý: sau 30 ngày kể từ ngày nhận tài liệu từ Trung tâm mà bị đơn không có bất cứ phản hồi nào, thì Trung tâm sẽ chỉ định trọng tài viên để giải quyết tranh chấp trong vòng 7 ngày.

Theo Quỳnh Như
TheLeader