Còn nhớ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 đã có một đợt tinh giản biên chế khá mạnh. Những cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp nào tự nguyện chuyển ra làm cho khu vực tư nhân đều được khuyến khích, hỗ trợ nhiều mặt; thủ tục nhanh gọn, nhẹ nhàng, các khoản trợ cấp được giải quyết chóng vánh.
Đợt tinh giản biên chế lúc đó dựa vào hai yếu tố quan trọng. Đầu tiên là quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa, bước đầu theo quy luật thị trường. Chuyển đổi như thế chắc chắn hàng loạt công việc bị dôi dư ra. Dễ thấy nhất là sự biến mất của các cửa hàng quốc doanh, phân phối lương thực, thực phẩm theo tem phiếu và hàng trăm, hàng ngàn trường hợp khác. Thứ hai là sự ra đời của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân làm nền tảng cho sự bùng nổ nền kinh tế tư nhân, nơi tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mới, không những giải quyết các trường hợp bị tinh giản biên chế mà còn giúp nhiều người khác có việc làm ổn định.
Nay lại có những nỗ lực tinh giản biên chế mới nhưng nếu không dựa vào các yếu tố cụ thể, e rằng bộ máy càng phình to, càng cồng kềnh hơn trước. Thật ra, đi kèm với các đợt tinh giản biên chế đều có các nỗ lực xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu của bộ máy hành chính nhưng do không có sự đột biến như lần chuyển đổi mô hình kinh tế nên kết quả vẫn còn hạn chế.
Vậy nên xem đâu là yếu tố đột biến cho đợt giảm biên chế lần này? Đó là xác định nguyên tắc Nhà nước chỉ làm những gì mà thị trường và xã hội không làm được; còn lại cứ chuyển giao cho các thành phần kinh tế khác. Lấy ví dụ, nếu mạnh dạn gọi thầu để các công ty bên ngoài cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các cơ quan nhà nước thì không những chúng ta giải quyết được chuyện dài xe công mà còn giảm không biết là bao nhiêu biên chế từ lái xe, bảo trì xe, đến công việc điều xe, chấm công, lên bảng lương... Nếu áp dụng triệt để nguyên tắc này, sẽ có thể tìm ra những mô hình quản lý trong đó, các thành phần kinh tế sẽ đảm nhiệm rất nhiều phần việc hiện do bộ máy hành chính của Nhà nước đảm trách như đề xuất mới đây về việc bỏ thanh tra xây dựng, đấu thầu để giao việc quản lý các công viên cây xanh, các nhà văn hóa, thể thao, các bến bãi... cho doanh nghiệp.
Trong quá trình này, các thành tựu trong công nghệ thông tin là trợ thủ đắc lực để giảm biên chế một cách thực chất. Ví dụ, các loại công việc liên quan đến hộ tịch hiện chiếm một khối lượng lớn thời gian của nhân lực cấp phường xã. Nếu tổ chức được một đầu mối tiếp nhận, phân loại yêu cầu của người dân trên cả nước rồi chuyển đến đúng địa chỉ, tức giảm bớt các phần việc mà máy tính có thể đảm trách, sẽ giúp giảm bớt áp lực công việc cho hệ thống hành chính. Chúng ta đã có những thành công nhất định ở lĩnh vực này đối với công việc cấp đổi hộ chiếu trực tuyến nên nhân rộng ra cho các loại giấy tờ khác của người dân.
Hai yếu tố, “những gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm” (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017) và ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, sẽ là bước đột phá để hy vọng vào một đợt tinh giản biên chế thành công khi chúng ta bước vào thập kỷ 2020.

Theo Thời báo KTSG