Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, từ ngày 4 đến ngày 10/10/2017.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như đổi mới doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tổng bí thư đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công (xã hội hóa nhưng không thương mại hóa), phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.

Tại Hội nghị, Tổng bí thư đã lưu ý các đại biểu xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân; vai trò, vị trí của các đơn vị sự nghiệp công lập trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trên cơ sở đó đề ra quan điểm, mục tiêu và định hướng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với bảo đảm ổn định chính trị, xã hội nói chung và từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể nói riêng.

Liên quan đến vấn đề đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, trung tuần tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có kiến nghị, trước hết là với ngành y tế, cần thực hiện một cuộc "cách mạng" để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ của các đơn vị trực thuộc. Theo đó, các bệnh viện đầu ngành phải cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán. Tiếp đó, sẽ hình thành các tập đoàn bệnh viện có cổ phần nhà nước chiếm đa số.

Đề xuất cơ cấu lại hệ thống bệnh viện công được VAFI đưa ra trên cơ sở những bất cập thời gian qua, như suất đầu tư cho hạ tầng, máy móc có khi gấp đôi so với khu vực tư nhân, giá thuốc mua vào đắt đỏ do thiếu cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cũng tạo ra khoảng cách lớn về chất lượng khám, chữa bệnh.

Trong giai đoạn 1, VAFI kiến nghị chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Khi hoạt động như những doanh nghiệp, các bệnh viện sẽ phải công khai tài chính, kiểm toán hằng năm, cũng như công khai thông tin đấu thầu, mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế. Để doanh nghiệp bệnh viện hoạt động hiệu quả, theo VAFI cần đưa ra mức trần vay ngân hàng để đầu tư, không quá 50% vốn chủ sở hữu.

Sau khi hoạt động ổn định, giai đoạn tiếp theo sẽ cổ phần hóa một số bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức..., đồng thời tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán, giúp các bệnh viện có điều kiện huy động vốn từ thị trường này. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các bệnh viện cần chính sách đặc thù, đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh không tăng do cổ phần hóa mà vẫn theo giá quy định của Nhà nước.

Theo VAFI, việc tạo dựng chính sách đặc thù để đảm bảo hệ thống bệnh viện công lập vẫn là hệ thống y tế của Nhà nước, vẫn đảm bảo chính sách an sinh cho người dân, cho 100% đối tượng bảo hiểm y tế, người nghèo và các nhiệm vụ cấp bách. Cuối cùng là giai đoạn hợp nhất, sáp nhập các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện nhằm nâng cấp hệ thống y tế tại các địa phương.

Không chỉ ngành y tế, việc cơ cấu lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Chưa kể lực lượng quân đội, công an, hiện nay khu vực doanh nghiệp nhà nước đã có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế. Ước tính, chỉ cần giảm 1,5% biên chế mỗi năm, chi ngân sách sẽ giảm 800 - 900 tỷ đồng/năm.

Bảo Nguyên

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn