Trong nhiều năm qua, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ, thời gian thanh tra kéo dài, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp. Mỗi năm, một doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, có khi lên đến 11, 12 lần/năm.

Thấu hiểu bức xúc trên của doanh nghiệp, ngày 16/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và ngày hôm sau, ngay sau khi kết thúc cuộc họp báo Chính phủ với Doanh nghiệp, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị đó -  Chỉ thị số 20/CT-TTg.

Nội dung của Chỉ thị 20/CT-TTg đã quy định rõ ràng về trách nhiệm của các đơn vị, cấp, ngành; trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trong việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ngay từ đầu năm. Việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm không được để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; không được thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; chỉ được tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất nếu có dấu hiệu rõ ràng về vi phạm pháp luật. Nếu đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất thì không được vượt quá phạm vi thanh tra, kiểm tra của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất và phải có kết luận rõ ràng về hành vi vi phạm, mức độ vi phạm của doanh nghiệp.

Trước đó, giữa tháng 5/2016, trên cơ sở thảo luận, biểu quyết của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2016, Thủ tướng đã ký Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Khi đó, Chính phủ đã thống nhất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Trả lời báo chí, Bộ Trường, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Khi phát hiện có tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo tại doanh nghiệp thì phải có sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu UBND các cấp không tiến hành giải quyết mà để doanh nghiệp kiến nghị hoặc phản ảnh lên cơ quan cấp cao hơn thì chính cơ quan ấy sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình trước Thủ tướng Chính phủ.

Lê Thắng