Alexander Fleming (6/8/1881 - 11/3/1955) là một bác sĩ, nhà sinh học và đồng thời là một nhà dược lý học người Scotland. Ông được coi là người mở ra kỉ nguyên sử dụng kháng sinh trong y học. Ông đã được trao Giải thưởng Nobel về y học năm 1945 cùng với Ernst Boris Chain và Howard Walter Florey về việc tìm ra và phân tách được penicilin - được coi là loại kháng sinh đầu tiên trong việc điều trị những bệnh nhiễm trùng.

Công việc của Fleming chủ yếu tập trung vào mục tiêu tìm kiếm một thứ “thần dược”. Tuy khái niệm vi khuẩn đã phổ biến từ khi được Antonie van Leeuwenhoek mô tả lần đầu năm 1683 nhưng mãi đến cuối thế kỷ 19, Louis  Pasteur mới chứng minh được rằng vi trùng gây bệnh. Nhưng dù con người đã có những hiểu biết này, vẫn chưa ai tìm ra được thứ thuốc có thể diệt vi trùng gây bệnh mà không làm hại cơ thể người.

Năm 1922, Fleming có một phát hiện quan trọng, đó là lysozyme. Khi đang nghiên cứu một số vi khuẩn, Fleming bị sổ mũi và làm rơi một số giọt chất dịch vào một đĩa thí nghiệm, khiến vi khuẩn bị tiêu diệt. Fleming phát hiện ra rằng chất tự nhiên có trong nước mắt hoặc dịch mũi có thể giúp cơ thể chống lại vi trùng, và dẫn tới nhận thức rằng có thể tìm được các chất diệt khuẩn không gây hại cho cơ thể người.

Vào buổi sáng tình cờ trong năm 1928 đó, khi Fleming đang thu xếp đống đĩa thì một trợ lý cũ của ông là BS Merlin Pryce tới thăm. Fleming tranh thủ kêu ca về khối lượng công việc mà ông phải làm thêm kể từ khi Pryce chuyển đi. Để minh họa, Fleming lục trong chồng đĩa lớn mà ông đã bỏ vào khay nước rửa Lysol và lôi ra vài chiếc vẫn chưa bị nhúng trong dung dịch Lysol (may mắn là chồng đĩa quá lớn nên còn sót những chiếc đĩa bẩn chưa bị dung dịch Lysol tẩy sạch).

Khi nhặt lên một chiếc đĩa để đưa cho Pryce xem, Fleming chợt nhận thấy có gì đó khác thường. Khi ông đi vắng, nấm mốc đã mọc trong đĩa. Bản thân việc đó thì không có gì lạ cả. Tuy nhiên, loại nấm mốc đó dường như đã giết được Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) trong đĩa. Và ông nhận ra rằng loại nấm mốc này có tiềm năng diệt khuẩn.

Fleming bỏ ra vài tuần lễ để trồng thêm nấm mốc và cố gắng xác định chính xác chất nào trong nấm đó đã giết được vi khuẩn. Sau khi trao đổi với chuyên gia về nấm mốc C. J. La Touch, người có văn phòng nằm ngay dưới phòng thí nghiệm của Fleming, hai người xác định nấm đó là Penicillium. Vì vậy, Fleming đặt tên chất kháng khuẩn trong nấm đó là penicillin.

Nhưng loại nấm đó từ đâu ra? Nhiều khả năng là từ phòng của La Touche ở tầng dưới. La Touch lúc ấy đang thu thập một số lượng lớn các mẫu nấm mốc cho John Freeman, người đang nghiên cứu bệnh hen suyễn, và có lẽ là một vài mẫu nấm đã bay vào phòng thí nghiệm của Fleming.

Fleming tiếp tục thực hiện hàng loạt thí nghiệm để xác định hiệu quả của nấm mốc đó trên các vi khuẩn có hại. Ngạc nhiên làm sao, phần lớn vi khuẩn bị tiêu diệt. Thế rồi Fleming tiến hành những thí nghiệm tiếp theo và thấy rằng loại nấm đó không độc.  

Đây có phải “thần dược” không? Với Fleming thì không. Dù thấy được tiềm năng của nó nhưng Fleming không phải là nhà hóa học nên ông không thể tách được hoạt chất kháng khuẩn penicillin và không thể giữ nó hoạt động đủ lâu để có thể dùng trên cơ thể người. Năm 1929, Fleming viết một báo cáo về các kết quả của mình nhưng không được cộng đồng khoa học quan tâm.  

Năm 1940, năm thứ hai của Đệ Nhị Thế chiến, hai nhà khoa học của Đại học Oxford là Howard Florey người Úc và Ernst Chain người Đức tị nạn đang nghiên cứu một số dự án rất hứa hẹn về vi trùng học. Họ dự định dùng những nghiên cứu về hóa học để thúc đẩy các dự án này, trong đó có dự án về penicillin.Với các công nghệ hóa học mới của thời đó, họ đã sản xuất được một thứ bột màu nâu có thể giữ tính kháng khuẩn hơn vài ngày. Họ thí nghiệm và thấy rằng thứ bột này an toàn. 

Vì chiến trường đang cần thuốc nên việc sản xuất đại trà bắt đầu rất nhanh. Nhờ vậy, trong Đệ Nhị Thế chiến, Penicillin đã cứu vô số mạng sống. Không có nó, những người bị thương, dù rất nhẹ, cũng có thể chết vì nhiễm trùng. Ngoài ra, Penicillin còn chữa được cả bạch hầu, hoại tử, viêm phổi, bệnh giang mai và bệnh lao.

Tuy Fleming phát hiện ra Penicillin nhưng chính Florey và Chain mới là những người biến nó thành sản phẩm hữu ích. Fleming và Florey đều được phong tước Hiệp sĩ năm 1944 và cả ba người (Fleming, Florey và Chain) cùng nhận giải Nobel năm 1945 về Y học, trong đó Fleming được ghi công là đã tìm ra Penicillin.

Sự cao thượng của Fleming còn được thể hiện quyết định không bảo hộ sáng chế về loại kháng sinh đầu tiên này cho riêng mình. Với ông, đây là tài sản của cả nhân loại, là sản phẩm của tự nhiên kỳ diệu nên ông không thể giữ nó cho riêng mình được. Khi được phỏng vấn, ông trả lời “Tôi không sáng chế ra Penicillin. Tự nhiên đã làm điều đó và tôi chỉ vô tình tìm ra mà thôi…” (I did not invent penicillin. Nature did that. I only discovered it by accident.)

Alexander Fleming qua đời năm 1955, khi ông 74 tuổi. Một lễ tang đơn giản đã được tiến hành tại nghĩa trang của nhà thờ Saint Paul, London.

Vũ Việt Hoàng tổng hợp