Bộ Nội vụ đang xây dựng đề cương Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dưới đây là một số điểm đáng chủ ý của Dự thảo:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo quy định về hai loại trách nhiệm đó là trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người quản lý doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện cho phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho nhà nước nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi được coi là vi phạm pháp luật như trên được Dự thảo quy định là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định rõ trong văn bản của các cấp có thẩm quyền.

Thứ hai, Dự thảo định nghĩa trách nhiệm bồi thường là việc người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cho phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp khi có hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại thì phải trả một khoản tiền để bù đắp thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp; trách nhiệm hoàn trả là việc người theo quy định trên phải trả một khoản tiền để bù đắp khoản bồi thường mà doanh nghiệp đã phải trả cho bên thứ ba (tổ chức, cá nhân khác) để bù đắp thiệt hại.


(nguồn ảnh: Internet)

Thứ ba, Dự thảo đề ra các nguyên tắc cơ bản cho việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường, hoàn trả như sau: Thiệt hại được xác định bởi cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp bị thiệt hại hoặc thông qua giám định công khai bởi bên thứ ba. Việc thực hiện bồi thường, hoàn trả được chủ trì bởi một tập thể là Hội đồng xem xét trách nhiệm bồi thường. Người phải thực hiện trách nhiệm có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định bồi thường hoàn trả, đồng thời phải tuân thủ tuyệt đối quyết định đã có hiệu lực nếu không sẽ bị khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Số tiền bồi thường, hoàn trả toàn bộ được nhập vào tài sản của doanh nghiệp bị thiệt hại.

Nhìn chung, Dự thảo đã xây dựng cơ bản các quy định cho việc thực hiện trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại. Tuy nhiên, Đề cương dự thảo vẫn chưa đi sâu vào các nội dung như nguyên tắc xác định mức thiệt hại; xử lý trách nhiệm của người đã về hưu, thuyên chuyển công tác, thôi việc, khi doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi sở hữu, giải thế, phá sản.

Lê Thắng